Vụ cháy chung cư mini Khương Hạ: Hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho các nạn nhân Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Có nên bỏ chung cư, quay về nhà đất? |
Sau một ngày diễn ra vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, chúng tôi đã liên hệ gặp Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel - anh Phạm Quốc Việt. Tôi khá bất ngờ vì thời gian tôi liên hệ cũng đã nửa đêm, nhưng chỉ sau chưa đầy 2 phút anh Việt nhắn tin và mời tôi sáng hôm sau (14/9) đến trụ sở của Đội Fas Angle trên phố Vũ Tông Phan (Hà Nội) - đây cũng là cửa hàng sửa chữa xe máy do anh làm chủ và là nghề giúp anh có thu nhập ổn định cũng như thời gian để anh có thể giúp người, cứu người vào bất cứ lúc nào.
Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel Phạm Quốc Việt (Ảnh: Cấn Dũng) |
Có lẽ với mỗi người dân các anh là những “anh hùng”, nhưng với anh Việt và những thành viên của đội các anh chỉ nhận là những con người bình thường và đang “ươm những mầm xanh của sự tử tế, lương thiện, mầm xanh của sự tương thân, tương ái”.
Được thành lập vào tháng 9/2019, đến nay Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel có hơn 50 tình nguyện viên được huấn luyện về sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn và được cấp chứng chỉ do anh Phạm Quốc Việt sinh năm 1987 sáng lập và là đội trưởng. Sau 4 năm thành lập đến nay đội đã cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ cho khoảng 16-17 nghìn người.
Anh Việt chia sẻ, mỗi thành viên của Fas Angel là một công việc, một mảnh ghép khác nhau về hoàn cảnh, cuộc sống, độ tuổi cũng như nghề nghiệp. Nhưng tất cả mọi người đều có chung một mục đích cứu người, giúp đỡ người gặp nạn để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất, nhân văn nhất đến cộng đồng xã hội.
Áo bảo hộ và các phương tiện thiết bị luôn được anh Việt kiểm tra để chuẩn bị đến những điểm trực vào mỗi buổi tối (Ảnh: Cấn Dũng) |
Chia sẻ lại câu chuyện cứu hộ, cứu nạn những người dân sống tại chung cư mini Khương Đình, anh Việt cho hay, vào lúc 11h45 phút ngày 12/9 tôi đang ở gần cầu Diễn để cứu trợ cho người dân bị tai nạn giao thông thì nhận được tin báo có vụ cháy tại Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), có nạn nhân đang bị mắc kẹt trong tòa nhà. Kiểm tra nguồn tin tôi đã điều một xe sơ cứu ở khu vực Ngã Tư Sở nơi tiếp cận gần nhất khu vực có hỏa hoạn. Lúc sau tôi nhận được tin của anh em trong lực lượng cứu hỏa, tôi đã bàn giao nạn nhân bị tai nạn giao thông nhẹ cho người khác để lái chiếc xe sơ cứu 03 đến vụ cháy trực tiếp chỉ huy thành viên trong đội, phối hợp các lực lượng chức năng giúp đỡ các nạn nhân.
“Đến khoảng 0h15 ngày 15/9, đội chúng tôi đã có hơn 20 người có mặt tại vụ cháy và đến 1h30 sáng 13/9 tôi quyết định chia lực lượng ra làm 3 nhánh. Nhánh thứ nhất túc trực xung quanh khu vực xe cứu thương, nếu có nạn nhân thoát ra được sẽ hỗ trợ đưa ra ngoài để kịp thời thăm khám, sơ cấp cứu. Nhánh thứ 2 ra sau tòa nhà để hỗ trợ lực lượng cứu hỏa và cứu nạn những người nhảy xuống. Nhánh thứ 3 trực tiếp do tôi chỉ huy và xử lý, ngay sau khi ngọn lửa được khống chế chúng tôi sẽ lên các tầng để tìm kiếm những trường hợp còn sống sót trong các phòng”- anh Việt chia sẻ.
Anh Việt kể: Chúng tôi leo lên các tầng kiểm tra và phát hiện hơn 12 người đang mắc kẹt tại các tầng và hướng dẫn họ cũng như cõng những người yếu hơn đi xuống bàn giao cho lực lượng ứng trực dưới mặt đất. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục lên các tầng, lên đến tầng 8 lượng khói bụi vẫn còn rất nhiều. Chúng tôi kiểm tra xung quanh khu vực tầng 8 xác định không còn người nào sống, chúng tôi đã quay xuống gặp lực lượng cứu hỏa và trao đổi. Đến 3h30 sáng chúng tôi bắt đầu cùng với lực lượng phòng cháy chữa cháy hỗ trợ đưa những người tử nạn ra khỏi tòa nhà và kiểm tra lần cuối cùng trước khi rời khỏi tòa nhà. Đến 7h30 sáng 13/9 mới kết thúc công việc tìm kiếm.
Sau một đêm cứu hộ, cứu nạn các thành viên trong đội tạm chợp mắt để khôi phục lại sức khỏe cho những công việc còn đang dang dở |
Khi được hỏi ấn tượng lớn nhất của anh trong quá trình cứu hộ, cứu nạn là gì, anh Việt cho biết, chúng ta không thể cứ mãi đau buồn vì những mất mát đã xảy ra, cần nhìn vào những nỗ lực của các lực lượng chức năng, những người dân đã tham gia cứu hộ, những người sau vụ cháy tìm lại cuộc sống lần thứ hai để có thể sống tốt hơn, lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội và làm sao để không còn những vụ việc tương tự xảy ra.
Ấn tượng lớn nhất đối với chúng tôi là sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân, đối diện với một hiện trường phải nói là thảm họa. Từ người dân đến lực lượng cứu hỏa, lực lượng công an phường, công an quận rồi đến công an thành phố Hà Nội đã có mặt để ứng cứu và nỗ lực hết mình. Các cơ quan chức năng có mặt chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn, số lượng người cứu hộ không bị thương hoặc bị rất nhẹ.
Trong hoạn nạn, tình người được chia sẻ, lan tỏa, những người dân xung quanh đã tiếp nước thức ăn cho lực lượng cứu hộ, đưa những tấm chăn, ga giường để bọc cho những nạn nhân xấu số, điều đó rất xúc động.
Chia sẻ về cơ duyên thành lập Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, anh Việt cho biết: Sau khi xuất ngũ tôi làm xe ôm, khi thấy người bị tai nạn giao thông từ đó tôi nảy sinh ra mong muốn được hỗ trợ, cứu nạn. Ban đầu chỉ là cá nhân tôi bằng kinh nghiệm được huấn luyện trong quân đội bằng kiến thức những người thân trong gia đình làm nghề y truyền đạt lại. Tuy nhiên khi thấy tôi cứu người bị tai nạn giao thông, nhiều người đề nghị tôi huấn luyện cho họ và họ mong muốn tham gia cùng, nhưng tôi không nhận vì thấy kinh nghiệm của mình chưa đủ.
Cho đến khi thấy nhiều người bị tai nạn, phải gọi người đến cứu hộ giữa đường và thường bị “chặt chém” thế là tôi quyết định thành lập Đội với mong muốn cứu hộ tai nạn giao thông và sửa xe cho những người có phương tiện tai nạn giao thông với giá cả vừa phải, hoặc bảo quản tài sản phương tiện giao thông giúp họ. Lúc này tôi cũng đã trải qua khóa học sơ cấp cứu hiện trường từ các chuyên gia nước ngoài và cũng có kinh nghiệm để có thể hướng dẫn cho thành viên trong đội.
Mỗi thành viên trong đội là một bông hoa giữa đời thường |
Đến nay Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel không chỉ dừng lại cứu hộ, cứu nạn những người bị tai nạn giao thông mà cả những vụ tai nạn lao động hay hỏa hoạn. Tất cả các thành viên trong đội được đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu hiện trường và có chứng chỉ. Để trở thành thành viên của đội, phải có đủ kỹ năng xử lý các tình huống hiện trường, đảm bảo bất cứ lúc nào cũng có thể lên đường đến nơi xảy ra tai nạn để ứng phó.
Các tình nguyện viên không có lương, không có thưởng nên họ phải có công việc ổn định hoặc có nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống. Mặc dù tham gia làm "thiện nguyện" nhưng họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Đội cũng như quy định về chuyên môn trong cứu hộ, cứu nạn.
Vì là thiện nguyện nên để có trang thiết bị phục vụ cho công việc, anh Việt đã kêu gọi ủng hộ trên mạng xã hội và những người thân, người quen biết. Đến nay, Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel được các nhà hảo tâm hỗ trợ, trong đó có các nhà hảo tâm là các cá nhân, doanh nghiệp như Tập đoàn T&T hay ngân hàng SHB đã tài trợ cho đội chiếc xe cứu thương để phục vụ cấp cứu các trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng.
Anh Việt bày tỏ, chúng tôi đã có 3 chiếc xe cứu thương nằm trong mục tiêu 6 chiếc mà Trung tâm ứng phó sự cố Hà Nội đặt ra. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này chúng tôi cũng được cộng đồng xã hội, nhà hảo tâm ủng hộ… nhưng chưa thấm vào đâu. Chỉ riêng vụ cháy chung cư mini Khương Hạ vừa qua đã tốn rất nhiều trang thiết bị và thất lạc do bị xáo trộn với các đơn vị khác, chúng tôi đang cố gắng khắc phục sau vụ cháy.
Anh Việt mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục cống hiến vì cộng đồng. “Chúng tôi tình nguyện trở thành "bông hoa giản dị giữa đời thường”, để từ đó lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến những người dân, những người hoạn nạn và sẽ gắn bó dài lâu với việc hỗ trợ, sơ cứu. Còn sức, mình sẽ còn làm để bất cứ đâu có người cần giúp đỡ là những “thiên thần” áo cam sẽ có mặt kịp thời”- anh Việt chia sẻ!