Đổi thay nhờ vốn ngân hàng
Vốn ngân hàng đã góp phần thay đổi diện mạo vùng Tây Bắc |
Tín dụng “rót” vào lĩnh vực trọng điểm
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ đối với khu vực để có những chính sách đầu tư phù hợp nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, ổn định kinh tế - chính trị trong vùng.
Bên cạnh sự có mặt của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội với hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch có mạng lưới vươn tới tất cả các huyện, thậm chí liên xã, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã hiện diện nhiều hơn tại các tỉnh Tây Bắc. Có thể kể đến những cái tên như LienVietPostBank, Techcombank, ABBank, Maritime Bank, MBBank, Sacombank, VPBank... cũng tích cực mở các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn các tỉnh.
Sự phát triển của hệ thống ngân hàng tại Tây Bắc đã giúp hoạt động huy động vốn trong khu vực luôn có mức tăng khá. Đến tháng 5/2016, huy động vốn vùng Tây Bắc đã tăng khoảng 7,01% so với cuối năm 2015; dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 5,69% so với cuối năm 2015, tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước và đạt dư nợ gần 200.000 tỷ đồng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - chia sẻ: Một phần nguồn vốn cho vay được hệ thống ngân hàng điều chuyển từ các khu vực khác sang đầu tư cho Tây Bắc. Điều này phản ánh những cố gắng của ngành Ngân hàng trong việc ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực này.
Trên thực tế, tín dụng đã thực sự trở thành nguồn vốn quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc. Dư nợ cho vay trong nhiều lĩnh vực chủ chốt của phát triển kinh tế các tỉnh Tây Bắc như nông nghiệp, công nghiệp, cho vay theo chuỗi liên kết giá trị công nghệ cao, hỗ trợ nhà ở, kết nối doanh nghiệp - ngân hàng liên tục tăng trưởng qua các năm. Theo đó, đến cuối tháng 5/2016, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 77.924 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cuối năm 2015; cho vay hỗ trợ nhà ở đã giải ngân theo tiến độ đạt 630,84 tỷ đồng. Hoạt động kết nối doanh nghiệp - ngân hàng tính đến cuối quý I/2016 đã được các TCTD cam kết cho vay mới đạt hơn 44.000 tỷ đồng cho 3.086 khách hàng doanh nghiệp và nhiều đối tượng khác như các hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình...
“Ngành Ngân hàng cũng đã cam kết đầu tư tín dụng hàng chục ngàn tỷ đồng cho các nhà đầu tư triển khai những dự án đầu tư trọng điểm tại các tỉnh trong khu vực Tây Bắc như: Thủy điện Lai Châu, dự án sản xuất axit photphoric trích ly tại tỉnh Lào Cai, dự án Thủy Điện Tà Cọ tại Sơn La, dự án xây dựng nhà máy mía đường Tuyên Quang” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Giảm nghèo bền vững
Tích cực hoạt động công tác an sinh xã hội (ASXH), giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những yếu tố nền tảng để Tây Bắc phát triển bền vững. Bên cạnh việc cấp tín dụng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, các hoạt động ASXH, cho vay ưu đãi đối với đối tượng chính sách cũng đã góp phần quan trọng trong việc mang lại cuộc sống mới cho mỗi hộ dân, mỗi địa phương và cả khu vực Tây Bắc.
Với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, gấp 2,7 lần so bình quân cả nước, nên hoạt động tín dụng chính sách đã được ngành Ngân hàng đẩy mạnh và quan tâm sát sao nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc đến cuối tháng 5/2016 có tổng dư nợ đạt 31.254 tỷ đồng.
Từ năm 2011 đến 31/5/2016, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình ASXH tại các tỉnh vùng Tây Bắc với tổng số tiền 2.558 tỷ đồng. Trong đó, khối các ngân hàng thương mại Nhà nước luôn đi đầu trong công tác ASXH của hệ thống, chiếm 86% tổng số tiền tài trợ của toàn ngành. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các chương trình ASXH được triển khai tại Tây Bắc chủ yếu tập trung vào mục đích y tế, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo, qua đó góp phần đáng kể, thiết thực giúp người dân Tây Bắc cải thiện được điều kiện sống. Với hàng chục nghìn ngôi nhà cho người nghèo, hàng trăm trường học các cấp và nhiều trạm y tế xã được xây dựng; hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng đường xá, cầu cống, nhà văn hóa, công trình tưởng niệm, nhiều năm qua ngành Ngân hàng đã góp phần đáng kể, thiết thực giúp người dân Tây Bắc cải thiện được điều kiện sống, tăng thêm cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... Một số công trình đã và đang xây dựng để bàn giao cho bà con và các đơn vị như: Công trình hồ treo chứa nước ngọt cho bà con dân tộc huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), trạm y tế xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên), công trình Ký túc xá cho học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu, 5 trường học tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Điện Biên), cầu treo qua suối tại xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang)…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Để nguồn vốn ngân hàng phát huy hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh khu vực Tây Bắc, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng, tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch, kinh tế cửa khẩu nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông; triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục vay vốn phù hợp với đối tượng là đồng bào dân tộc trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu vùng xa thông qua các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Với trách nhiệm cao đối với xã hội, ngành Ngân hàng tiếp tục cam kết làm tốt công tác ASXH mang lại lợi ích thiết thực góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại nhiều tỉnh trên địa bàn khu vực Tây Bắc. |