Đối tượng nào được đề xuất thí điểm đầu tư lĩnh vực công nghệ cao?
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tưđề xuất nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội ban hành thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư với 4 nhóm doanh nghiệp, bao gồm:
Doanh nghiệp có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng, hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thí điểm đầu tư lĩnh vực công nghệ cao |
Hai đối tượng còn lại lần lượt là doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.
Dự thảo nghị quyết đề xuất 4 hình thức hỗ trợ đầu tư, bao gồm: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Cơ quan soạn thảo đề xuất, các khoản hỗ trợ đầu tư được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư quy định tại điều này.
Bộ này cũng cho rằng, việc hỗ trợ còn đảm bảo ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hài hoà cho các đối tượng áp dụng, bao gồm doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhà đầu tư mới (bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài). Điều này đồng thời đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tác động tối thiểu đến ngân sách nhà nước.
Theo dự thảo, nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành trong 5 năm, kể từ ngày 1/1/2024. Trong thời gian thực hiện thí điểm, trường hợp Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước và các pháp luật liên quan khác được sửa đổi ban hành thay thế cho quy định tại nghị quyết này thì thực hiện theo quy định đó.