Công nghiệp năng lượng là đột phá cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long |
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã định hướng công nghiệp năng lượng là một trong những bệ đỡ phát triển kinh tế.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với bờ biển dài và khí hậu nhiều nắng - gió… được đánh giá có lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, nhiều địa phương trong vùng đều đưa ra những chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Cụ thể, tỉnh Bến Tre đã xác định phát triển năng lượng sạch là nhiệm vụ đột phá, với mục tiêu đến năm 2025 phát triển ít nhất 1.500 MW điện gió. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, Bến Tre đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia 19 dự án điện gió, với tổng công suất hơn 1.007 MW. Với tỉnh Sóc Trăng, ngoài 20 dự án điện gió, công suất 1.435 MW đã được phê duyệt trong quy hoạch điện VII, gần đây tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương tiếp tục bổ sung 6.358 MW điện gió vào quy hoạch điện VIII. Còn tỉnh Cà Mau, gần đây cũng đã trình Bộ Công Thương xin bổ sung vào quy hoạch tổng cộng 36 dự án với tổng công suất 24.564MW. Trong đó, có 23 dự án điện gió với tổng công suất 11.018MW...
Ngoài các tỉnh trên, một số địa phương như Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ cũng đều định hướng thu hút đầu tư với trọng tâm là năng lượng tái tạo và điện khí.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, các địa phương trong vùng đang đẩy nhanh tiến độ những dự án năng lượng tái tạo qua cam kết hỗ trợ tối đa và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các dự án năng lượng được vận hành ổn định. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc khảo sát, đề xuất các dự án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương; chú trọng các dự án liên kết vùng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước để sớm trở thành trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của đất nước