Đồng bằng sông Cửu Long tạo quỹ đất sạch để “hút” nhà đầu tư
Thu hút đầu tư gia tăng
ĐBSCL hiện có khoảng 49.000 DN hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm 2019, toàn vùng có thêm 3.100 DN thành lập mới, vốn đăng ký 30.500 tỷ đồng (tăng 1,5% về số DN và 3,3% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước).
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 4 tháng đầu năm 2019, khu vực ĐBSCL có 9/13 địa phương thu hút thêm dự án FDI mới với 56 dự án, tổng vốn đăng ký 667,47 triệu USD. Tính chung vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm, vốn góp và mua cổ phần thì ĐBSCL thu hút thêm 789,21 triệu USD vốn FDI. Tính đến hết tháng 4/2019, vùng ĐBSCL có 1.579 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 22,19 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, kết quả 4 tháng qua cho thấy, các địa phương vùng ĐBSCL đang có sự chuyển động tích cực trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông thủy sản vốn là thế mạnh của vùng. Và đây là thành quả của việc tạo cơ chế đất sạch cũng như các cơ chế chính sách thu hút đầu tư mà các địa phương trong vùng đã và đang thực hiện.
Việc tạo quỹ đất sạch giúp các tỉnh ĐBSCL tăng thu hút đầu tư |
Hiệu quả từ tạo quỹ đất sạch
Tỉnh Long An có 31 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tổng diện tích 11.391ha. Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Long An có 62 cụm công nghiệp, tổng diện tích 3.106ha. Tính cả khu, cụm công nghiệp, tỉnh có khoảng 8.170/14.497ha đất quy hoạch công nghiệp đang tiến hành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
Năm 2019, Long An đặt mục tiêu có ít nhất 3 KCN và 3 cụm công nghiệp đưa vào kế hoạch triển khai, hoạt động. Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Long An luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, địa điểm, hạ tầng để nhà đầu tư đến triển khai đầu tư sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng, thuận lợi. Để tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã giao cho một số sở, ngành phối hợp các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp nỗ lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch để giao cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra tỉnh cũng tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, cải tiến rút ngắn thời gian lập các thủ tục để sớm giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Tương tự, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã cùng các đơn vị có liên cũng thực hiện công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch để giao cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tính riêng trong năm 2018 sở này đã tham mưu thẩm định và trình UBND tỉnh Sóc Trăng giao 9.961.451,60m2 đất trên cho 44 tổ chức; cho 40 tổ chức thuê đất thực hiện các dự án với tổng diện tích 4.698.586,70m2; cho phép 3 tổ chức chuyển mục đích sử dụng với tổng diện tích 3.289,40m2 và thu hồi đất của 28 tổ chức với diện tích 852.857,33m2...
Tại tỉnh Vĩnh Long Trung tâm Khai thác và phát triển quỹ đất tỉnh Vĩnh Long được giao làm chủ đầu tư để lập quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các dự án được chọn. Ngân sách tỉnh sẽ ứng trước toàn bộ kinh phí để trung tâm đầu tư lập quy hoạch, thực hiện bồi hoàn giải toả, hỗ trợ di dời và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng của dự án.
Hay TP. Cần Thơ cũng đang xây dựng Đề án khai thác quỹ đất thành phố giai đoạn 2017-2021 gồm hai khu đất với tổng diện tích 267,5ha nhu cầu vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng. Để tránh tình trạng đất sạch bỏ hoang và gánh lãi vay do chưa có nhà đầu tư nên thành phố chỉ tạo đất sạch thật sự khi có nhà đầu tư. Đồng thời rà soát lại các quy hoạch treo và cho chuyển đổi mục đích đối với các khu vực không khả thi, lựa chọn các khu vực đất vàng đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, làm sạch bằng nhiều cách (vay vốn) và thực hiện đấu giá.
Theo UBND TP. Cần Thơ, đấu giá là một hình thức giúp tăng vốn rất hiệu quả. Việc cho đấu giá một cách công khai minh bạch sẽ góp phần tăng lợi nhuận và thành phố sẽ sử dụng chênh lệch giữa giá khởi điểm với giá thu về để tiếp tục tạo quỹ đất sạch khác.