Đắk Nông: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chợ biên giới Đắk Nông hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững |
Cây Mắc ca là "bệ đỡ" thoát nghèo
Nằm ở phía Tây huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, xã Quảng Trực là vùng biên viễn với điều kiện tự nhiên đặc biệt để phát triển một số loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, để giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, chính quyền các cấp đã khuyến khích nông dân trên địa bàn xã mở rộng diện tích trồng cây mắc ca để đưa loại mắc ca thành cây mang lại thu nhập chính cho người dân vùng biên giới.
HTX Nông nghiệp Long Việt đang là một trong những điểm sáng gây ấn tượng mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên vùng núi Tuy Đức, với mô hình trồng và sản xuất mắc ca.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Việt |
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Việt cho biết, HTX được thành lập vào cuối năm 2019, mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn sản phẩm mắc ca chưa chế biến và gần 30 tấn sản phẩm mắc ca qua chế biến. Với số lượng dân tộc thiểu số trên địa bàn xã chiếm tới 60%, từ khi phát triển mô hình trồng cây mắc ca, đời sống đồng bào địa phương thay đổi rõ rệt.
Theo bà Dung, nếu như trước đây, người dân phải vào rừng để đào của quý mang đi bán, hay phá rừng làm rẫy, sống tạm bợ, dù từ năm 2010, các cấp chính quyền đã khuyến khích người dân địa phương trồng cây mắc ca để phát triển kinh tế nhưng bà con ngó lơ. “Phải đến năm 2015, những sản phẩm mắc ca đầu tiên của địa phương được đưa ra thị trường, đem lại lợi nhuận về kinh tế, bà con bắt đầu quan tâm, chăm sóc và tìm hiểu sâu về sản xuất, thương mại. Đến năm 2023, trải qua 7 năm, bà con đã thoát nghèo, bỏ phá rừng làm rẫy để trồng cây mắc ca, ngoài ra bà con cũng trồng thêm cà phê, hồ tiêu để kiếm thêm thu nhập quanh năm, cuộc sống phần nào cải thiện hơn”, bà Dung chia sẻ.
Hiện diện tích cây mắc ca của các thành viên trong HTX Nông nghiệp Long Việt là 138 ha, mắc ca của xã viên và các bà con sau khi được thu hoạch sẽ do HTX thu mua và đưa đi chế biến. Đồng thời, nếu sản lượng lớn thì HTX cũng hỗ trợ bà con liên kết với các doanh nghiệp khác đưa về chế biến.
Dù trước đây đã từng trồng bơ, nhưng từ khi chuyển sang sản xuất cây mắc ca, chị Hà Thị Tin (dân tộc Thái, trú bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) mới bắt đầu có “đồng ra đồng vào”, trang trải cuộc sống, cho con ăn học.
“Trước đây đồng bào trồng cây cà phê nhưng không đem lại hiểu quả kinh tế cao, nhưng từ khi trồng cây mắc ca thì đã phát triển phù hợp, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định theo từng vụ. Tôi suy nghĩ nên nhân rộng mô hình này cho đồng bào khu vực biên giới để bà con phát triển kinh tế”, chị Tin bày tỏ.
Sản phẩm mắc ca của HTX NN Long Việt đã thành công thâm nhập thị trường các nước Châu Âu và Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản... |
Giúp người dân làm giàu bền vững
Tại bon biên giới Bu Prăng 1, xã Quảng Trực có 87 hộ dân, đa phần là đồng bào M’nông, đời sống còn lạc hậu, phong tục tập quán nhiều tồn tại. Từ khi chính quyền huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông hướng dẫn kỹ thuật trồng và sản xuất mắc ca, thu nhập bà con được nâng cao, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Ông Điểu Toih – (dân tộc M’nông, Ban Công tác Mặt trận Bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) chia sẻ: Mỗi năm, cây mắc ca cho thu hoạch 2 vụ, giúp mỗi hộ gia đình thu khoảng 2 tấn mắc ca, cuộc sống của bà con đã đỡ vất vả hơn. Cùng với đó, từ khi HTX Nông nghiệp Long Việt được thành lập, đã giúp tư vấn, hướng dẫn bà con canh tác hợp lý.
Mảnh đất biên giới thuộc xã Quảng Trực đổi thay nhờ cây mắc ca. |
Hiện, HTX có 22 thành viên chính thức và 45 thành viên liên kết, trong đó các thành viên dân tộc thiểu số tại chỗ và vùng miền chiếm hơn 70%. Nhờ hoạt động tốt, HTX Nông nghiệp Long Việt liên tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, vững vàng. HTX đang thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động chính thức, mức thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng/người/tháng, nhiều lao động thời vụ, đa số là người dân tộc thiểu số trong vùng, với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Vào cuối năm 2022, với mong muốn cùng người dân vượt khó vươn lên, HTX đã hỗ trợ cho 6 hộ gia đình là hộ nghèo 100 cây mắc ca/mỗi hộ, kèm theo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, HTX cũng kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ cho những xã viên khó khăn xây, sửa nhà hay giải quyết vấn đề khó khăn trong sinh hoạt đời sống, tổ chức các chương trình thăm hỏi, hỗ trợ các hộ khó khăn là thành viên của HTX.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang có gần 3.000ha mắc ca, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Đức với khoảng 2.000ha. Cây mắc ca được tỉnh Đắk Nông xây dựng là một trong số những cây trồng chủ lực của tỉnh, phù hợp để phát triển tại một số vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số với kỹ thuật canh tác chưa cao. Trên cơ sở Đề án “Phát triển bền vững mắc-ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Chính phủ, Đắk Nông đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung hướng trọng tâm vào mở rộng diện tích, phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sâu để xây dựng thương hiệu cho cây mắc-ca địa phương. |