Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, cách nào để chắc chân thị trường? Đồng Nai: Đẩy mạnh phát triển mô hình chuỗi liên kết trong nông nghiệp |
Đồng Nai hiện đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của cây sầu riêng vì đây là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, đem lại thu nhập cao cho nhà vườn.
Cụ thể Đồng Nai triển khai việc thực hiện quy hoạch vùng trồng sầu riêng, tăng cường thiết lập và quản lý mã số vùng trồng thực chất. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu các giải pháp để tăng sức chống chịu của cây sầu riêng về bất lợi của thời tiết, dịch bệnh. Đồng thời xây dựng phát triển chuỗi liên kết sản xuất, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 17 hợp tác xã và tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 760 ha và 3,3 ha sầu riêng THT (sầu riêng Monthong) của xã Xuân Quế đạt chứng nhận sản phẩm sầu riêng hữu cơ. 100% các hộ trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đều áp dụng tưới nước tiết kiệm; ứng dụng chuyển đổi số theo dõi vườn sầu riêng; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, trong 02 năm qua diện tích sầu riêng Đồng Nai phát triển khá nhanh (tăng gần 4.400 ha), đến nay diện tích trồng sầu riêng của tỉnh khoảng 11.400 ha (sản lượng khoảng 70 ngàn tấn), đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và thứ tư cả nước (sau Đăk Lăk, Lâm Đồng, Tiền Giang). Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích), có những mô hình cho doanh thu từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm.
Để phát triển bền vững cho cây sầu riêng thì cần phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất: Thường thì phải mất 4 - 5 năm vun trồng, chăm sóc cây sầu riêng mới bắt đầu cho quả ngọt của vụ thu hoạch đầu tiên. Để có những trái sầu riêng chất lượng thì nông dân đã ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ cao nâng cao để phục vụ sản xuất, nâng chất lượng và an toàn thực phẩm sản phẩm như: sử dụng giống chuẩn, có năng suất và chất lượng cao. Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tổ chức lại sản xuất.
Sầu riêng đạt chuẩn hữu cơ của xã Xuân Quế, Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai |
Bên cạnh đó, cần phải làm tốt công tác xây dựng phương án quy hoạch phát triển nông nghiệp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể trên cơ sở phân tích đánh giá về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, phân tích lợi thế cạnh tranh để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại từng địa phương; Bố trí quỹ đất, không gian phù hợp để đầu tư hệ thống bảo quản, lưu trữ, sơ chế, đóng gói nông sản gắn với các vùng sản xuất tập trung, nhất là các ngành hàng có giá trị kinh tế và lợi thế canh tranh, như: chuối, bưởi, sầu riêng, xoài.
Thêm vào đó, cần thực hiện tốt công tác sắp xếp lại tổ chức sản xuất sản phẩm sầu riêng. Trong đó, tập trung vào các hình thức: Hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, câu lạc bộ - tổ hợp tác; phát triển các hình thức liên kết (liên kết dọc, liên kết ngang); khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, an toàn, chất lượng đáp ứng theo các yêu cầu của thị trường và gắn kết được với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định, bền vững.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sầu riêng, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái vườn; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm sầu riêng; tăng cường quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh kênh phân phối, phát triển thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tập trung phát triển sản xuất sầu riêng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Phát triển các vùng sản xuất sầu riêng tập trung đáp ứng yêu cầu 4 có: “có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao”, gắn với việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các giải pháp trên, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông, đặc biệt khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo thị trường, nhất là phải sản xuất theo hợp đồng.
Cùng với đó, các ban ngành chức năng địa phương cần khẩn trương rà soát diện tích sầu riêng, xây dựng đề án phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư khâu đóng gói, chế biến. Cùng với đó, quy hoạch toàn diện vùng cây ăn quả tập trung, trong đó, có cây sầu riêng và phát triển thành vùng chuyên canh để thuận lợi cho sản xuất áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm.