Đồng Nai: Giải bài toán nguồn nhân lực cho sân bay quốc tế Long Thành
Cần lao động có chuyên môn
Trước đó, tại hội nghị Đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay Long Thành, sáng 13/3/2024, với sự tham dự của lãnh đạo Cục hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và 25 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, theo dự kiến vào tháng 9/2026, sân bay Long Thành (giai đoạn 1) chính thức đi vào khai thác nên ngay từ bây giờ việc đào tạo nguồn nhân lực nhanh, nhạy và thích ứng với bối cảnh mới là điều không thể chậm trễ, phải tính toán kỹ lưỡng.
Cũng theo ông Đức, khi sân bay Long Thành chính thức vận hành thì cần tới 14.000 lao động, trong đó có hơn 5.000 người trình độ đại học và trên đại học, 2.000 lao động phổ thông, còn lại là lao động sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Nguồn lao động chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sản xuất kinh doanh dịch vụ, vận hành bay...
“Nhân sự cho hàng không là ngành nghề đặc thù, có điều kiện, cần được cấp phép của cơ quan chuyên môn. Hiện nay cả nước có 25 đơn vị đủ điều kiện đào tạo trong lĩnh vực hàng không nhưng chưa có cơ sở đặt tại Đồng Nai cho nên cần phải tính toán, kết hợp để đào tạo nhân lực cho sân bay Long Thành”, ông Đức cho biết.
Các nhà thầu đang đẩy mạnh thi công Sân bay quốc tế Long Thành - (Ảnh: Phạm Tùng) |
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV, khi sân bay Long Thành vận hành, các chuyến bay trên 1.000 km đa số sẽ ở Long Thành nên rất cần lao động có chuyên môn kỹ thuật. Vì vậy việc đào tạo nguồn lực cần tập trung ngành nghề bảo dưỡng, chăm sóc, sữa chữa máy bay. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến lao động chất lượng cao như: Công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, sinh trắc học, tự động hóa xử lý hành khách, hành lý, điện...
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, việc chuẩn bị nhân lực cho sân bay Long Thành là công việc hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành phải là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có chuyên môn. “Về lâu dài, phải tính toán nhân lực cho cả vùng Sân bay Long Thành với không gian quy hoạch phát triển mới lên đến 30.000 ha. Ngoài ra, các cơ quan cũng cần thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí thu hút đầu tư vào bốn khu công nghiệp lân cận sân bay mà Đồng Nai đã đưa vào quy hoạch”, ông Lĩnh nói.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên Vuasanca , nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành khi đi vào khai thác, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành chịu trách nhiệm báo cáo “Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành” để Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua trong quý II/2024. Trong đề án này, nguồn nhân lực có chuyên môn được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đặc biệt chú trọng.
Quy hoạch 1.000 ha để mời gọi các cơ sở đào tạo chất lượng cao
Ông Đức đề nghị 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rà soát ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và làm việc với 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép để tổ chức đào tạo tại Đồng Nai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên tham gia đào tạo với chất lượng cao, chi phí đào tạo thấp.
Theo dự kiến tháng 9/2026 khi Sân bay quốc tế Long Thành vào vận hành thì phải cần tới 14.000 lao động có đào tạo chuyên môn. Ảnh: Phạm Tùng) |
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, sân bay Long Thành là cơ hội để Đồng Nai nâng cao vị thế của mình trên bản đồ kinh tế Việt Nam và quốc tế. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh mới là điều kiện cần thiết đòi hỏi phải nhanh chóng thực hiện.
"Sân bay Long Thành là “thỏi nam châm” thu hút nguồn lực của tỉnh Đồng Nai, nếu chuẩn bị sớm thì sẽ thúc đẩy nhanh hơn", ông Lĩnh nhấn mạnh, đồng thời cho biết, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành khi đi vào khai thác, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 1.000 ha đất cho các cơ sở đào tạo và mời gọi các trường đại, học viện mở cơ sở tại tỉnh này để đào tạo những ngành nghề có chất lượng cao và nguồn nhân lực cho cả vùng quanh sân bay. Bên cạnh đó, cần liên kết đào tạo với các trường đại học chuyên ngành về hàng không ở nơi khác để mở thêm khoa, chuyên ngành về hàng không nhằm thích ứng tình hình mới.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng yêu cầu tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, ưu tiên những người giao đất, hy sinh vì sự phát triển của sân bay Long Thành.