Đồng Nai thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp hỗ trợ |
Tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn 6 tháng đầu năm 2017 tính đến ngày 17/6/2017 là 641 triệu USD, đạt 64% kế hoạch năm. Trong đó cấp mới 37 dự án với tổng vốn 228 triệu USD; 51 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 412,9 triệu USD.
Về lĩnh vực đầu tư, các dự án thu hút trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh là thu hút có chọn lọc, ưu tiên chọn dự án công nghệ cao, lao động có tay nghề, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường... Các dự án đầu tư điều chỉnh có nội dung đa dạng như điều chỉnh nhà đầu tư, bổ sung mục tiêu hoạt động, mở rộng quy mô dự án, tăng vốn đầu tư và vốn góp... Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu thuộc các quốc gia châu Á, phần lớn vẫn là các dự án của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Ngoài ra còn có các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều dự án với tổng vốn đầu tư lớn như British Virgin Islands, Đức…
Như vậy, lũy kế đến ngày 17/6/2017 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 1.703 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 30,94 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực là 1.286 dự án, tổng vốn 26,1 tỷ USD; 417 dự án thu hồi, tổng vốn 4,8 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, 3 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu theo thứ tự là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, những dự án FDI thu hút trong 6 tháng/2017 có đến hơn 50% là sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể như dự án Công ty Cổ phần Chang Hae Việt Nam của Hàn Quốc có vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 20 triệu USD; dự án Công ty TNHH sợi Long Thái Tử của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp (KCN) Long Khánh với vốn đăng ký tăng thêm trên 50 triệu USD...
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch Đầu tư, trong 6 tháng/2017 tỉnh tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng, giao thông. Những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc sử dụng nhiều lao động đều bị từ chối. Thêm vào đó, diện tích đất cho thuê trong các KCN của Đồng Nai không còn nhiều nên để nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút đầu tư các dự án phải được chọn lọc kỹ càng, không chạy theo số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng dự án đầu tư.
Ngoài ra, nhiều KCN trên địa bàn TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom đã được lấp đầy, chỉ còn những KCN vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện như Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán mới còn nhiều đất cho thuê nên cũng không thu hút mạnh các nhà đầu tư.