Du lịch Đông Nam Á sẽ tăng sức hút đối với khách du lịch quốc tế. Ảnh minh họa |
Theo đó, về lượng khách du lịch, số lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,3% trong giai đoạn 1995-2015, từ 347 triệu lượt lên đến 1,2 tỷ lượt, dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 1,8 tỷ lượt. Đến năm 2030, khu vực châu Á và Thái Bình Dương sẽ đón 535 triệu lượt khách du lịch quốc tế, châu Âu đón 744 triệu lượt, châu Mỹ đón 248 triệu lượt.
Về các điểm đến khu vực, UNWTO cho biết, đến năm 2030, Đông Bắc Á sẽ thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất với 293 triệu lượt, vượt qua khu vực Nam Âu/Địa Trung Hải (264 triệu lượt) và Tây Âu (222 triệu lượt). Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách du lịch quốc tế lớn thứ 4 thế giới với 187 triệu lượt. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia đã trở thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giới về số lượng khách du lịch (trên 25 triệu lượt), Singapore là một trong những điểm đến du lịch chất lượng cao, có sức cạnh tranh hàng đầu thế giới.
Cũng theo UNWTO, về thị trường nguồn khách du lịch quốc tế, đến năm 2030, nguồn khách xuất phát từ châu Âu sẽ đạt 832 triệu lượt, tiếp theo là châu Á và Thái Bình Dương (541 triệu lượt), châu Mỹ (265 triệu lượt), châu Phi (90 triệu lượt) và Trung Đông (81 triệu lượt). Đến năm 2030, đa số lượng khách du lịch quốc tế xuất phát từ nội vùng 1,4 tỷ (78 %) so với 0,4 tỷ (22 %) từ các vùng khác.
Riêng về mục đích du lịch, đến năm 2030, UNWTO nhận định khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe và tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch quốc tế; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; và với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Đáng lưu ý, nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi).
Về phương tiện vận chuyển khách, sự phát triển của hàng không giá rẻ đang tác động mạnh đến khả năng đi du lịch của người dân trên thế giới, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có thể đi du lịch bằng đường hàng không. Sự liên kết giữa ngành hàng không và các ngành thương mại, dịch vụ khác, nhất là ngành du lịch ngày càng chặt chẽ để đảm bảo tối ưu hóa khả năng phát triển của mỗi ngành và cả nền kinh tế.
Ngoài ra, UNWTO khuyến cáo sự phát triển của công nghệ thông tin làm thay đổi phương thức tiếp cận và chia sẻ thông tin của khách du lịch, đặc biệt là ảnh hưởng của mạng xã hội và các ứng dụng trên Tnternet, điện thoại di động ngày càng phổ biến, đòi hỏi cơ quan quản lý các điểm đến phải thay đổi phương thức xúc tiến quảng bá và định hướng thị trường.
Mặt khác, chính sách mở cửa quốc tế, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cũng là xu hướng chung trên thế giới. Theo Báo cáo về mức độ mở cửa liên quan đến thị thực nhập cảnh, UNWTO cho biết, tỷ lệ khách du lịch quốc tế cần thị thực nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới đã giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 61% năm 2015.