Siêu thị - kênh phân phối quan trọng
Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp- cho biết, thực hiện Đế án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực Công Thương, thời gian qua Sở Công Thương đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch triển khai công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông đặc sản của địa phương.
Đồng Tháp quảng bá nông sản địa phương tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 |
Xác định hệ thống siêu thị là kênh phân phối quan trọng của các mặt hàng nông đặc sản, nên thời gian qua, Sở Công Thương thường xuyên kết nối các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) trong tỉnh với kênh phân phối hiện đại như: Saigon Co.op, Hapro, Satra, Big C, Lotte, Vinmart…
Đặc biệt, để có thể đưa hàng hóa nông sản của tỉnh vào những thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, sản phẩm phải đạt những tiêu chí nhất định, phù hợp với từng hệ thống phân phối. Do đó, ngay từ thời điểm bắt đầu sản xuất hoặc gieo trồng nông sản, Đồng Tháp đã cùng với các đơn vị liên quan chuẩn hóa tiêu chuẩn và quy trình sản xuất cho DN, nông dân, HTX.
Cụ thể sở đã phối hợp với siêu thị Co.opmart tổ chức kiểm tra, thẩm định các điều kiện sản xuất của các DN, HTX, CSSX chỉ ra các hạn chế yếu kém và đôn đốc, nhắc nhở để các DN, HTX, CSSX khắc phục, đáp ứng được các yêu cầu khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tổ chức các hội nghị tổng kết công tác đưa hàng vào siêu thị để đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại khó khăn, đề ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, HTX, CSSX đưa hàng hóa ngày càng nhiều vào các siêu thị.
Nhiều giải pháp để đưa hàng hóa vào kênh phân phối truyền thống
Bà Võ Phương Thủy- cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương cũng đặc biệt chú trọng và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đưa hàng hóa vào kênh phân phối truyền thống gồm: Các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nhà hàng, các đại lý phân phối, các thương nhân đầu mối…
Đồng Tháp đưa nông đặc sản địa phương vào hệ thống siêu thị Co.opmart |
Theo đó, Sở tổ chức các đoàn khảo sát tìm kiếm thị trường ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc… Tổ chức tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm, các diễn đàn tổ chức trong nước nhằm quảng bá giới thiệu các nông thủy sản đặc trưng của tỉnh, của các DN, HTX, CSSX… nhờ vậy 5 mặt hàng chủ lực như: lúa gạo, xoài Mỹ Xương, trứng vịt Mỹ Hòa - Tháp Mười, cá tra, hoa kiểng của Đồng Tháp đã thâm nhập vào thị trường lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh trên cả nước thuận lợi.
Chỉ tính riêng trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, các DN, HTX, CSSX của Đồng Tháp đã ký kết, thỏa thuận 45 bản ghi nhớ với các đối tác để đưa nhiều sản phẩm nông sản vào tiêu thụ ở các siêu thị trên địa bàn cả nước. Riêng với hệ thống Co.opmart, bình quân hàng tháng, hàng hóa của Đồng Tháp cung ứng đạt doanh số khoảng 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, siêu thị Tứ Sơn, các DN trong và ngoài tỉnh, Ban Vận động Người Việt dùng hàng Việt của tỉnh tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, để tiêu thụ các nông đặc sản của các DN, HTX, CSSX của tỉnh.
Qua đó, tạo cơ hội cho DN sản xuất tiếp cận với thị trường nông thôn còn bỏ ngỏ, đồng thời từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường tạo dựng uy tín với người tiêu dùng khu vực nông thôn.
“Trong thời gian tới, để phát triển ngành hàng nông sản đặc trưng Đồng Tháp Mười có giá trị giá tăng cao, có lợi thế cạnh tranh và thương hiệu thông qua phát triển chuỗi giá trị, Đồng Tháp sẽ tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường”, bà Võ Phương Thủy nhấn mạnh.