CôngThương - Vì thế, khi nào Dự án mới triển khai vẫn là một câu hỏi lớn.
Ngày 30/3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi báo cáo việc chưa cấp đất và giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án. Tháng 8 năm ngoái, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chấp thuận cho Dự án Guang Lian nâng công suất từ 5 triệu tấn/năm lên 7 triệu tấn/năm. Theo đó, vốn đầu tư cũng sẽ tăng từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD.
Trong một động thái khác, ngày 24/2/2011, sau cuộc họp giải quyết vướng mắc của Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất), Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cũng đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất tập trung xử lý các vướng mắc để sớm cấp giấy chứng nhận điều chỉnh cho dự án trong tháng 3/2011. Theo Thứ trưởng Quang, Guang Lian là một dự án trọng điểm của ngành thép và trong bối cảnh nhiều dự án lớn của ngành thép bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai, thì vai trò của dự án này ngày càng trở nên quan trọng, không chỉ đối với ngành thép, mà cả với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Trung, Phó trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất, cho biết, vì Công ty này chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư mà UBND tỉnh và Ban Quản lý yêu cầu, nên chưa cấp giấy chứng nhận điều chỉnh vốn. “Chúng tôi yêu cầu họ có những cam kết về tiến độ thi công Dự án, cũng như chứng minh cam kết cho vay vốn của các ngân hàng, nhưng cho tới giờ này vẫn chưa có”, ông Trung nói.
Bày tỏ quan điểm luôn ủng hộ các nhà đầu tư tìm đến Quảng Ngãi, ông Trung cho biết, có thể sắp tới, Ban Quản lý KKT Dung Quất sẽ cấp chứng nhận điều chỉnh cho dự án, nhưng phải có những điều kiện nhất định đi kèm. “Điều kiện là trong một khoảng thời gian nhất định, nhà đầu tư phải triển khai Dự án, cũng như phải chứng minh được nguồn gốc vốn vay”, ông Trung nói.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất) chậm trễ trong triển khai có phải liên quan đến các vấn đề về tài chính hay không, cả ông Jung-Ching Tseng, Phó tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn E-United (Đài Loan, chủ đầu tư của Dự án) và ông Li Pi Hshien, Chủ tịch Công ty Thép Guang Lian Việt Nam đều khẳng định rằng “không”. E-United là một tập đoàn lớn của Đài Loan, có tiềm lực tài chính mạnh, với doanh thu năm 2010 là 8 tỷ USD.
“Vướng mắc lớn nhất của chúng tôi hiện giờ là mặt bằng để triển khai Dự án”, ông Li nói.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện tại, khoảng 300 ha đất đã được giao cho Guang Lian. Tuy nhiên, Công ty này lại muốn nhận được toàn bộ diện tích đất trong vùng dự án (500 ha). Lý do là, Guang Lian muốn triển khai một cách toàn diện và đồng bộ Dự án, chứ không phải là triển khai từng phần.
“Một nhà máy thép không hoàn chỉnh thì không thể đi vào vận hành sản xuất và sẽ kéo dài thêm thời gian thu hồi vốn. Khi đó sẽ gây tổn thất cho nhà đầu tư, thậm chí tạo cho ngân hàng cảm giác lo sợ”, ông Hsueh Hung Yi, Tổng giám đốc Thép Guang Lian (Dung Quất) lý giải và một lần nữa đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm bàn giao mặt bằng cho Dự án trước ngày 31/7/2011 để có thể triển khai xây dựng nhà máy.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện nay, Guang Lian đã có sự chấp thuận cho vay vốn của các ngân hàng, tuy hợp đồng chính thức chưa được ký kết. Một số hạng mục của Dự án, như đóng cọc, khu ký túc xá cho nhân viên… cũng đã được triển khai.