Nguồn cung dồi dào, sức cầu yếu
Theo thông tin từ Tổ chức Đường quốc tế (ISO), trong nửa đầu tháng 3/2022, chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng có xu hướng tăng do tác động của cuộc xung đột Nga - Ucraina. Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới đều tăng vọt, đặc biệt đối với dầu thô và hầu hết các loại nông sản và đường cũng không phải là ngoại lệ.
Sức cầu đối với sản phẩm đường giảm trong khi các nguồn cung dồi dào khiến giá đường được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian tới |
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nửa đầu tháng 3/2022, thị trường sau Tết, mức cầu thấp kết hợp dịch Covid-19 bùng phát ở phía Bắc khiến mức cầu đối với sản phẩm đường giảm hẳn trong khi các nguồn cung dồi dào.
Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt). Cụ thể, ghi nhận trong ngày 15/3, giá đường kính trắng phổ biến ở mức 17.200 - 18.000 đồng/kg; đường tinh luyện ở 18.400 - 18.700 đồng/kg; đường vàng phổ biến ở mức 17.600 đồng/kg; trong khi đó đường nhập lậu ở mức 16.400 - 17.000 đồng/kg.
Trong tháng 2/2022, giá đường kính trắng phổ biến ở mức 17.400 - 18.000 đồng/kg; đường tinh luyện ở mức 18.400 - 18.800 đồng/kg; đường vàng phổ biến ở mức 17.600 đồng/kg; trong khi đó đường nhập lậu ở mức 16.600 - 17.800 đồng/kg.
Trong tháng 2/2022, so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam đã thấp hơn hẳn.
VSSA cho biết, mặc dù các nhà máy đường đã tăng giá mua mía đến mức cao nhất trong 5 năm gần đây và tăng chi phí qua các biện pháp hỗ trợ nông dân nhằm khôi phục trồng mới vùng nguyên liệu khiến giá thành đường tăng so với vụ trước hầu như không thể cạnh tranh với đường nhập lậu và đường nhập khẩu, đành phải chấp nhận tồn kho không bán được hàng.
Vẫn đối diện với nỗi lo đường nhập lậu
VSSA thông tin, trong tháng 2/2022 các hoạt động gian lận thương mại đường tiếp tục hoạt động mạnh thời điểm trước và sau tết Nguyên đán Nhân Dần 2022, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát do nước ngoài sản xuất vào Việt Nam qua biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang, Quảng trị, Hà Tĩnh… có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, đến tháng 2/2022, các lực lượng chức năng Long An đã phát hiện, bắt giữ gần 46 tấn đường cát nhập lậu các loại.
Tại Đồng Tháp, trong những ngày đầu năm mới 2022, tại khu vực khóm thượng 1, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Đồng Tháp) đã phối hợp với Công an thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) phát hiện bắt giữ gần nửa tấn đường cát kết tinh và 1.000 bao thuốc lá ngoại đang tập kết tại khu vực gần bến đò Mương Miễu.
Tại Quảng Trị, đến 16/2/2022 Đội Quản lý thị trường số 2 đã triển khai phối hợp với Đội Trinh sát đặc nhiệm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát hiện và xử lý 4 vụ vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu do Thái Lan sản xuất với tổng số lượng 3.000 kg.
Tại Hà Tĩnh, ngày 16/2/2022, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Phòng CSGT - Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành dừng, khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát xe 74C-063.05 vận chuyển 2.000 kg đường tinh luyện nhập lậu do Thái Lan sản xuất.
VSSA nhận định, các vụ việc được phát hiện trên đây chỉ là phần rất nhỏ của các hoạt động thương mại đường nhập lậu, vì đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rẻ. “Đây là điều không thể được đối với đường Thái Lan nhập chính ngạch có đóng thuế chống phá giá chống trợ cấp lên đến 47,64%”, VSSA cho hay.
Đáng chú ý, sự xuất hiện sản phẩm đường đóng cây 12kg và đường đóng túi 1kg của các cơ sở sang chiết đóng gói (của các trùm buôn lậu từ các tỉnh nêu trên và các tỉnh khác như Kiên Giang, An Giang, Bình Phước, Tây Ninh và một số tỉnh phía Bắc) với các nhãn hàng mới phân phối trực tiếp đến người dùng qua các cửa hàng lẻ và bán trực tuyến không đòi hỏi hóa đơn là một trong những chiêu thức mới của giới tiêu thụ đường lậu.
VSSA dự báo, trong tháng 4/2022, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục được đưa vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2021/22, trong khi sức cầu đường sau Tết giảm sẽ khiến thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung.
Do đó, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu. Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới. Tuy nhiên, giá đường sẽ tiếp tục ở mức thấp dưới giá thành sản xuất đường từ mía nếu không kiểm soát được hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu. Việc này sẽ dẫn đến khả năng phá hủy chuỗi liên kết sản xuất mía đường.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến giữa tháng 3/2022, đã có một số nhà máy của ngành đường Việt Nam kết thúc vụ ép 2021/22. Lũy kế từ đầu vụ tổng lượng mía ép 4.650.000 tấn, sản xuất được 456.000 tấn đường các loại. |