Nguồn cung giảm hơn 1/3
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, tháng 2/2021, giá hồ tiêu đen trong nước tăng so với tháng 1/2021. Ngày 27/2/2021, giá hồ tiêu đen tăng từ 1.000 - 3.500 đồng/kg (tương đương mức tăng từ 1,9 - 6,7%) so với ngày 29/1/2021. Mức tăng thấp nhất là 1.000 đồng/kg (tăng 1,9%) tại huyện Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông; mức tăng cao nhất là 3.500 đồng/kg (tăng 6,7%) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lên mức 53.000 - 55.500 đồng/kg. Giá hồ tiêu trắng tăng 6.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2021, lên mức 78.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) bên vườn hồ tiêu hữu cơ |
Từ cuối tháng 2, giá hồ tiêu đã tăng dần, hiện, tại các tỉnh giá hồ tiêu đã vượt mức 60.000 đồng/kg, dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Theo một số nông dân, giá hồ tiêu ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg là bà con đã có lãi. Như vậy, sau một thời gian dài giữ ở mức thấp, những ngày qua, giá hồ tiêu đã tăng mạnh. Đây là điều trái với những năm trước đây, vì tháng 3 hằng năm, Việt Nam vào mùa thu hoạch hồ tiêu và giá hồ tiêu thường giảm mạnh.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) - cho biết, hiện đang vào chính vụ của hồ tiêu Việt Nam, các doanh nghiệp mua bán hồ tiêu trên thị trường thế giới đang tập chung về Việt Nam để thu mua.
Việc giá hồ tiêu nhảy “lò cò” theo ông Hoàng Phước Bính là do nhiều yếu tố tác động. Giá hồ tiêu hiện nay vừa là giá thật nhưng cũng vừa là giá ảo. Bởi ngoài việc hồ tiêu được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua thì hiện có một lượng khách hàng ngoài ngành là người Việt Nam muốn mua hồ tiêu để đầu cơ.
“Như ngày hôm qua (9/3), giá hồ tiêu ở mức 67.000 - 67.500 đồng/kg, nhưng sáng hôm nay (10/3), giá hồ tiêu đã được điều chỉnh xuống 65.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá mua thực, bán thực”, ông Hoàng Phước Bính cho hay.
Gốc của vấn đề được ông Hoàng Phước Bính đề cập đó là nguồn cung giảm mạnh do diện tích và năng suất giảm mạnh. Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính cho biết, thời tiết tác động rất lớn đến sản lượng, niên vụ hồ tiêu năm nay, thời tiết không thuận khiến năng suất giảm hơn 1/3 với với các niên vụ trước. Về diện tích trồng, mấy năm vừa qua, giá hồ tiêu xuống quá thấp khiến nhiều chủ vườn không còn sức để đầu tư, chăm bón. Một số chủ vườn đủ sức đầu tư thì họ không làm mà nhìn về hướng khác (đầu tư vào cây trồng, vật nuôi khác), họ không quan tâm đến vườn tiêu.
Cũng theo ông Hoàng Phước Bính, trong thời gian trước, do giá tăng quá cao, người trồng hồ tiêu tập trung đầu tư phân bón, phân thuốc quá nhiều gây ra ngộ độc và thoái hóa đất. Những diện tích này, việc tái canh lại là rất khó.
Trước thông tin thương lái Trung Quốc đến thu mua, ông Bính cho hay, chính yếu tố này hỗ trợ giá tăng lên. Bởi hiện nay, việc thiếu các container rỗng khiến giá vận chuyển (logistics) sang thị trường EU, Mỹ… tăng lên rất nhiều (gấp 3-5 lần). Trong khi đó, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn, chúng ta có thể xuất khẩu cả qua đường chính ngạch và tiểu ngạch.
Dù vậy, giá tăng ở mức hiện nay cũng không bù được sản lượng sụt giảm. “Gia đình tôi trồng hồ tiêu chưa tới 1ha (5 sào), sản lượng năm nay chỉ chưa bằng nửa so với niên vụ năm trước. Dù giá tăng lên ở mức như hiện nay cũng không bù được sản lượng đã mất”, ông Hoàng Phước Bính cho biết.
Theo ông Bính, giá hồ tiêu vẫn đang trên đà tăng cao và có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg vào cuối năm nay. Chu kỳ tăng giá hồ tiêu được kéo dài từ năm 2006 đến năm 2015 là đỉnh điểm. Đến năm 2016 bắt đầu giảm giá mạnh cho đến năm 2020. Và năm 2021 dự kiến hồ tiêu sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng giá mới.
Giá tiêu xuất khẩu tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020
Cục Xuất nhập khẩu ước tính, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 2/2021 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 44 triệu USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với tháng 01/2021, so với tháng 2/2020 giảm 41,9% về lượng và giảm 23,6% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 32 nghìn tấn, trị giá 93 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu trong tháng 2/2021 ước đạt mức 2.933 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 01/2021 và tăng 31,4% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 2/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn, trừ Indonesia. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng mạnh ở các nước sản xuất Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Tổ chức Hồ tiêu quốc tế (IPC) nhận định, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, thị trường hồ tiêu toàn cầu cũng phải được tái thiết lập. Mặc dù các ngành như du lịch, dịch vụ ăn uống và nhà hàng đang chững lại nhưng nhu cầu vẫn tốt.
Lượng hàng tồn kho của Việt Nam từ vụ trước không còn nhiều và sản lượng hồ tiêu năm 2021 dự kiến thấp hơn năm 2020. Tại Việt Nam, hầu hết các vùng trồng hồ tiêu lớn đều giảm diện tích do giá thấp. Dự báo, giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không tăng diện tích mà cần chú trọng đầu tư trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ, VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp và áp dụng các phương pháp chế biến đưa ra các sản phẩm: tiêu ngũ sắc, tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu vàng, tiêu xanh.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, năm 2020, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 59% thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu với 285.292 tấn. Brazil đạt 89.756 tấn, chiếm 18% thị phần; Indonesia chiếm 11% thị phần với sản lượng xuất khẩu đạt 51.718 tấn; Ấn Độ chiếm 12% thị phần, đạt 15.924 tấn. |