Giá heo hơi hôm nay 26/9/2024: Biến động trái chiều, miền Bắc cao nhất 70.000 đồng/kg Giá heo hơi hôm nay 27/9/2024: Giao dịch quanh mức 67.000 đồng/kg |
Tháng 9, giá heo hơi cao hơn 12% so với cùng kỳ năm trước
Tiểu thương bán thịt heo tại chợ dân sinh tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Cơn bão Yagi quét qua, khiến nhiều hộ chăn nuôi khu vực phía Bắc thiệt hại nặng, thậm chí bị xoá sổ, khiến nguồn cung heo hơi khan hiếm. Giá heo hơi theo đó tăng mạnh, lập đỉnh cao mới.
Ghi nhận ngày 27/9, thương lái phía Bắc hiện đang thu mua heo hơi trong khoảng từ 68.000 - 70.000 đồng/kg; tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi đang được thu mua trong khoảng 64.000 - 69.000 đồng/kg; còn tại khu vực miền Nam, giá heo hơi quanh mức 64.000 - 67.000 đồng/kg. Trước đó, ngày 24/9, giá heo hơi tại Hà Nội chạm mức 71.000 đồng/kg. Tính chung, trong tháng 9, giá heo hơi đã tăng 12% so với cùng kỳ.
Giá heo hơi tăng, giá heo móc hàm tăng, buộc những tiểu thương tăng giá bán thịt heo. “Giá thịt heo móc hàm lên 98.000 đồng/kg rồi em ạ” - chị Thu Hoa - tiểu thương bán thịt heo tại chợ Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - chia sẻ với Vuasanca . Theo chị Thu Hoa, giá thịt heo bán ra trung bình tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại.
Theo quy luật của thị trường, thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8, giá thịt heo xuống thấp do vào đợt nghỉ hè của học sinh, sinh viên. Kể từ tháng 9, bếp ăn tập thể các trường đồng loạt mở lại, giá mặt hàng này sẽ hồi phục. Nhưng mấy tháng hè vừa qua, cung - cầu không cân đối nên lợn hơi giữ được giá khá cao.
Sau đợt bão số 3 vừa qua, nhiều trang trại bị thiệt hại, một lượng heo rất lớn bị chết hoặc hộ nuôi phải bán tháo do chuồng trại ngập sâu trong nước lũ. Thế nên, nguồn cung bắt đầu khan hiếm, đẩy giá lên cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 đã gây ra thiệt hại ở mức rất lớn khiến hơn 21 nghìn con gia súc, 2,6 triệu con gia cầm bị chết. Đây là những con số thống kê ban đầu về số lượng, còn về giá trị thiệt hại là chưa thể tính toán hết được. Đáng chú ý, có những trang trại chăn nuôi bị ngập, làm chết hàng nghìn con heo; số khác phải "bán chạy" do chuồng trại bị hư hỏng.
Đáng chú ý, thị trường miền Bắc hiện đang tồn tại một nghịch lý, chỗ bán rất rẻ, chỗ lại bán với giá rất đắt. Theo đó, ở những nơi bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhiều hộ chăn nuôi chưa thể tái thiết lại chuồng trại nên phải bán tháo heo, chỉ khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng/con, tương đương bằng khoảng 1/3 so với thị trường. Còn ở những vùng không bị ảnh hưởng, các hộ chăn nuôi cho rằng, mưa lũ, heo chết nhiều nên họ không vội bán để đẩy giá cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) - e ngại, con số đàn heo thiệt hại thực tế cao hơn nhiều lần so với thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không những vậy, sắp tới đây nếu xảy ra dịch bệnh, đàn heo sẽ còn hao hụt tiếp. Nguồn cung được dự báo sẽ tiếp tục giảm, điều này sẽ đẩy giá heo hơi tăng lên.
Nhận định về giá heo hơi cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay, trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều hộ đang nuôi lứa heo để chuẩn bị cho Tết nhưng phần nhiều trong số này thiệt hại. Để nuôi heo thương phẩm, cần ít nhất 5 tháng, nhưng hiện tại đã bước sang tháng 9 (âm lịch), do đó việc tái đàn trở lại phục vụ cho dịp Tết là thách thức lớn. Bởi, để tái thiết lại chuồng trại, đảm bảo vệ sinh, chuẩn bị con giống và quan trọng hơn là nguồn vốn.
Phải bán bớt khi chạy lũ, tổng đàn heo hiện còn của gia đình anh Nguyễn Văn Chính (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) là 150 con. “Đàn heo của gia đình hiện đã cơ bản ổn định. Việc cấp thiết lúc này là tập trung chăm sóc sớm phục hồi sức khỏe cho đàn vật nuôi dù còn nhiều khó khăn, vất vả phía trước”, anh Nguyễn Văn Chính cho hay.
Trải qua dịch bệnh tả heo châu Phi, rồi đến thiên tai, kinh tế của người chăn nuôi lúc này phần lớn đều ở trong tình cảnh khó khăn. Mong muốn của họ lúc này là được hỗ trợ vốn vay, giá nông sản ổn định phù hợp để có sức gắng gượng và vượt qua.
Trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên, đàn heo của Dabaco vẫn tương đối an toàn (SSI Research thông tin). Song các nhà phân tích cũng lưu ý rằng các rủi ro tiềm ẩn từ dịch bệnh và sức khỏe của gia súc ở các khu vực bị ngập lụt vẫn sẽ đáng lo cho Dabaco. Mặt khác, nhu cầu về heo và gà giống dự kiến sẽ cao, vì nông dân cần tái đàn sau lũ.
Giá heo hơi khó giảm xuống mức như năm ngoái
Nửa cuối năm thường là mùa cao điểm và dự kiến nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi, SSI Research cho rằng, giá heo khó giảm xuống mức như năm ngoái, khoảng từ 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Ngoài ra, việc tăng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không nhiều do giá heo ở Trung Quốc vẫn đang neo ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ở Trung Quốc vẫn còn thận trọng sau thời gian dài giá giảm và thua lỗ lớn trong vài năm qua (theo Genesus).
SSI Research cập nhật thêm, Dabaco đang có kế hoạch mở rộng hoạt động chăn nuôi heo với việc tăng đàn lên 60.000 con heo nái và 1,5 triệu con heo thịt trong thời gian tới, giảm sự phụ thuộc vào hợp đồng với các trang trại quy mô nhỏ.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, giá vốn trung bình của Dabaco là khoảng 50.000 đồng/kg (giảm từ 55.000 đồng/kg vào năm 2022), ngoài ra, các trang trại mới ở tỉnh Thanh Hóa còn ghi nhận mức chi phí ở mức 48.000 đồng/kg. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cũng dự kiến xây dựng hai trang trại mới ở các tỉnh Thái Nguyên và Hòa Bình, mỗi trang trại có quy mô 5.000 con heo nái (hiện, công ty có 50.000 con heo nái). Để đáp ứng tăng trưởng trong hoạt động chăn nuôi, ban lãnh đạo cũng có kế hoạch mở một nhà máy thức ăn chăn nuôi mới trong trung hạn.
Trước lo ngại nguồn cung thực phẩm cuối năm, nhất là đối với mặt hàng thịt heo, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, thiệt hại trên sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm. Điều này cũng nhằm hạn chế nhất ảnh hưởng đến CPI, xuất khẩu, tăng trưởng ngành nông nghiệp.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng sẽ sớm phục hồi sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để đảm bảo nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.