Dự kiến xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 sẽ đạt 54 tỷ USD Hiệp định thương mại tự do: Trợ lực cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Nhận định thị trường xuất khẩu nông lâm sản 6 tháng cuối năm 2023 |
Xuất khẩu rau quả dự kiến mang về trên 5 tỷ USD
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 662 triệu USD, tăng 155,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, xuất khẩu rau quả có nhiều điều kiện thuận lợi trong năm 2023. |
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, chiếm 65,8% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay (cùng kỳ năm ngoái là 47,5%). Thị trường này đã chi gần 1,77 tỷ USD để mua các loại rau quả Việt, tăng 120% so với cùng kỳ 2022. Thị trường mở cửa trở lại sau dịch là lợi thế lớn đối với xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc, rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia và EU đều ghi nhận mức tăng từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - nhận định, dự báo xuất khẩu rau quả năm nay sẽ thu về 5 tỷ USD, hoặc cao hơn. Riêng với rau quả xuất khẩu ở dạng tươi, khách hàng lớn nhất là Trung Quốc. Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu rau quả vào thị trường này, sau Thái Lan và Chile.
Rau quả tươi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế ở thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới này. Việc cơ quan chức năng hai nước ký nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch giúp các mặt hàng rau quả Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng theo hướng bền vững.
Nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu gạo năm 2023 dự kiến đạt trên 4 tỷ USD
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay nước ta xuất khẩu 4,24 triệu tấn gạo, thu về 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến năm 2030, Việt Nam giảm mục tiêu xuất khẩu gạo còn khoảng 4 triệu tấn |
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất 10 năm qua của hạt gạo Việt.
Xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn.
Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, trước thông tin Ấn Độ - "ông lớn" chiếm 40% sản lượng xuất khẩu gạo thế giới - đang xem xét cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc hạn chế xuất khẩu gạo trắng từ quốc gia này sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan.
Các doanh nghiệp ngành gạo ở nước ta cũng nhìn nhận, nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thực thi, nguồn cung gạo toàn cầu ảnh hưởng, giá sẽ tăng mạnh. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top 3 thế giới nên sẽ có lợi thế trong xuất khẩu, đặc biệt về vấn đề giá bán.
Dự báo, xuất khẩu gạo cả năm nay sẽ thu về trên 4 tỷ USD.
Dự báo xuất khẩu cà phê năm 2023 chạm ngưỡng năm ngoái
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 140,6 nghìn tấn, trị giá 377,23 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với tháng 5/2023, so với tháng 6/2022 tăng 2,3% về lượng và tăng 19,6% về trị giá.
Thụy Sỹ tăng mua cà phê từ thị trường Việt Nam |
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1 triệu tấn, trị giá 2,39 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng, nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Dự báo, sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10% - 15%/năm do thời tiết không thuận lợi.
Dù vậy, không chỉ nông dân mà một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết, họ không được hưởng lợi từ giá cà phê tăng. Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng.
Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt 4 tỷ USD, nhiều dự báo đưa ra, trong năm 2023, xuất khẩu cà phê có thể duy trì kỷ lục trên.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ điều vẫn chậm và giá bán khó tăng
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023,xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 59,12 nghìn tấn, trị giá trên 339 triệu USD, tăng 2,9% về lượng, nhưng giảm 0,4% về trị giá so với tháng 5/2023, so với tháng 6/2022 tăng 27,2% về lượng và tăng 19% về trị giá.
Dự báo thị trường hạt điều thô toàn cầu đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025 |
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt gần 279,43 nghìn tấn, trị giá 1,63 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 6/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.735 USD/tấn, giảm 3,3% so với tháng 5/2023 và giảm 6,5% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.853 USD/tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức, Australia… giảm, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống, Ả rập Xê út, Canada, Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian tới, ngành điều Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế, biến động tỷ giá, tiêu dùng giảm, chi phí chế biến tăng.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ điều vẫn chậm và giá bán khó tăng.
Xuất khẩu hồ tiêu vẫn thiếu vắng các tín hiệu tích cực từ thị trường
Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 25 nghìn tấn, trị giá 92 triệu USD, giảm 13,6% về lượng, nhưng tăng 2,0% về trị giá so với tháng 5/2023, so với tháng 6/2022 tăng 3,4% về lượng, nhưng giảm 8,2% về trị giá.
Xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2023 tăng về lượng nhưng giảm về giá trị |
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 156 nghìn tấn, trị giá 498 triệu USD, tăng 26,6% về lượng, nhưng giảm 11,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 6/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.667 USD/tấn, tăng 18,1% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 11,3% so với tháng 6/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.184 USD/tấn, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hồ tiêu dự báo tiếp tục khó khăn do các thị trường lớn phục hồi chậm, lượng hàng tồn từ năm trước cũng là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu giảm bớt thu mua hồ tiêu từ Việt Nam.
Xuất khẩu thủy sản khó về đích
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 768,2 triệu USD, giảm 23,65% so cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,15 tỷ USD, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Mục tiêu xuất khẩu đặt ra với ngành thủy sản trong năm 2023 là 10 tỉ USD nhiều khả năng sẽ không đạt được. |
6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang hầu hết các thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 705,8 triệu USD, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đạt 712,5 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 634,35 triệu USD, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo, trong quý III/2023, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... tiếp tục bị tác động bởi lạm phát cao.
Tuy nhiên, lượng tồn kho thuỷ sản ở các thị trường đang dần được giải tỏa sau thời gian dài các nhà nhập khẩu giảm mua, khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản sẽ dần cải thiện và có khả năng phục hồi nhẹ trong quý IV/2023.
Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023.
Dù vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, mục tiêu xuất khẩu đặt ra với ngành thủy sản trong năm 2023 là 10 tỉ USD nhiều khả năng sẽ không đạt được.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khó đạt mục tiêu đạt 18 tỷ USD trong năm 2023
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 23,3% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gỗ |
Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến đơn đặt hàng của ngành gỗ giảm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính trong nửa đầu năm 2023 đều giảm mạnh.
Trong đó, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ chiếm 54% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 3,3 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ giảm mạnh khiến xuất khẩu của ngành gỗ khó đạt được mục tiêu đạt 18 tỷ USD trong năm 2023.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ còn phải đối mặt với các quy định, yêu cầu mới từ thị trường Liên minh châu Âu (EU)...
Do vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Sự phục hồi của ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào nhiều các yếu tố, bao gồm sự ổn định của tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực như Hoa Kỳ và EU; cùng với việc thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và khai thác các cơ hội mở rộng thị trường.