Làm gì để người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng có lãi? Giá gạo xuất khẩu cao nhưng vì sao doanh nghiệp ngần ngại ký hợp đồng mới? |
Người Philippines ăn gạo Việt nhưng lại không biết thương hiệu
Theo ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu tại Philippines. Nước này nhập 3,5- 4 triệu tấn/năm và năm 2024 cũng vậy. Điều này cho thấy dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp.
Thực tế, theo các thống kê được đưa ra từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Philippines là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam khi chiếm khoảng 35% thị phần. Trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 2,63 triệu tấn gạo, tương ứng 1,41 tỷ USD.
Sở dĩ gạo Việt xuất khẩu mạnh qua Philippines là do gạo Việt Nam có lợi thế về phẩm chất phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao và giá cạnh tranh. Tuy vậy, ông Thành cũng chỉ ra rằng, đó là diễn biến của những năm trước đây còn hiện nay giá gạo Việt Nam đang cao nên vấn đề cạnh tranh cần nhìn lại. Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt tại nước này.
Xuất khẩu gạo đạt nhiều kết quả cao trong năm 2023 |
Phân tích cụ thể, ông Thành cho biết, Philippines nhận thấy sự phụ thuộc lớn về gạo Việt Nam nên đang đa dạng hóa nguồn cung. Thêm vào đó, theo ông Thành, vừa qua ông có đưa đoàn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sang khảo sát Philippines nhưng tiếc là tìm không thấy gạo Việt Nam trên thị trường. Trong khi đó, gạo Nhật Bản, gạo Thái Lan lại làm thương hiệu rất tốt.
“Rất nhiều người dân Philippines dù ăn gạo Việt Nam nhưng không hề biết, chúng tôi rất trăn trở về điều này”- ông Thành nói và cho rằng để tận dụng tốt dư địa của thị trường Philippines, nhiệm vụ lớn cần làm là xây dựng thương hiệu để người dân nước này biết được họ đang ăn gạo được trồng bởi nông dân Việt Nam.
Vì sao doanh nghiệp không làm thương hiệu?
Liên quan đến câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông - chia sẻ, hiện nay bán gạo phần lớn qua đấu thầu tức là chọn nhà cung cấp giá rẻ. Còn doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chỉ bán được số lượng ít nên rất khó cân đối chi phí.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo lại cạnh tranh rất khốc liệt. Doanh nghiệp đi sai là phá sản. “Năm qua, nhiều nhà máy lỗ vài trăm tỷ, cũng có nhiều doanh nghiệp phá sản. Doanh nghiệp phải định lượng từng hợp đồng, phải bán trước giao hàng sau rất nhiều”- ông Việt Anh cho biết.
Ngoài ra, muốn xây dựng thương hiệu phải xây dựng vùng nguyên liệu. Tuy vậy, thực tế chỉ có một số doanh nghiệp bán thuốc - phân bón làm được còn những doanh nghiệp thuần làm gạo rất khó làm vùng liên kết vì không cân đối được chi phí.
Trước khó khăn của doanh nghiệp, ông Phùng Văn Thành cho biết, trong năm 2024-2025 Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines sẽ thành lập Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam - Philippines. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận đối tác uy tín mà không cần phải trực tiếp sang Philippines. Qua đó giảm chi phí, tránh trường hợp gặp đối tác lừa đảo. “Đây là một trong những chương trình chúng tôi thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo”- ông Thành nhấn mạnh.