CôngThương - Nguồn cung dồi dào
Công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn giá được UBND và Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị từ đầu tháng 11/2010. Theo đó, Saigon Co.op đã chuẩn bị xong hàng hóa Tết với số lượng dồi dào, tăng 40%-50% so với năm ngoái, đủ sức cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, Saigon Co.op còn đầu tư thêm một kho hàng đông lạnh ở Bình Dương để chủ động trữ hàng, trang bị 100 xe và bố trí riêng 1 siêu thị chuyên cung ứng hàng Tết. Hiện nhóm hàng lương thực, thực phẩm được dự trữ lên tới 150.000 tấn, trong đó hàng bình ổn giá là 30.000 tấn (tăng gấp 3 lần so với kế hoạch được giao).
Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành mời gọi các doanh nghiệp có khả năng cung ứng các mặt hàng thủy hải sản như tôm, cá, mực đông lạnh, tôm khô, cá khô… tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Bà Lê Ngọc Đào- Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố- cho biết, sẽ không hạn chế số lượng các doanh nghiệp đăng ký tham gia nhằm đa dạng hóa nguồn hàng.
Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các ngành chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn trên địa bàn dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá lên cao. Theo đó, Tổng công ty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại; Công ty Xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu; Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát chuẩn bị trên 75 triệu lít rượu bia các loại; Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội sẽ đưa ra thị trường khoảng 400 tấn bánh mứt kẹo các loại…
Các trung tâm thương mại như Metro Thăng Long, BigC, hệ thống siêu thị Intimex, Fivimart, Coop Mart dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền trên 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và các đơn vị thành viên dự trữ gần 500 tấn thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm; 860.000 quả trứng gia cầm; 2.568 tấn thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến; 3,22 triệu lít dầu ăn; 1,7 triệu chai (lon) rượu, bia, nước ngọt; 570 tấn bánh mứt kẹo và 500 tấn rau củ quả các loại… tổng trị giá khoảng 785 tỷ đồng. Đối với 14 doanh nghiệp được thành phố tạm ứng 400 tỷ đồng vốn bình ổn giá đã dự trữ đầy đủ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ Tết.
Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán 2011, nguồn cung 12 mặt hàng thiết yếu đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, phân bón, thịt, đường, muối, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng, xăng dầu dù đủ đáp ứng nhu cầu nhưng dự báo sẽ tăng giá. Các mặt hàng thiết yếu khác như giấy, than, thuốc chữa bệnh, qua tính toán nguồn cung và xuất nhập khẩu cho thấy cũng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Riêng mặt hàng thuốc thỏa mãn nhu cầu phòng và chữa bệnh với giá có điều chỉnh nhẹ do tỉ giá USD tăng.
Kiên quyết không tăng giá
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các siêu thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới chiếm 18% thị phần bán lẻ. Vì vậy, các loại hình phân phối truyền thống vẫn đang nắm giữ khả năng chi phối với thị trường. Trong khi đó, việc bình ổn giá lại chỉ do các doanh nghiệp thương mại thực hiện, nên khả năng giá hàng hóa biến động vào dịp cuối năm là khó tránh khỏi. Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có nhiều công văn chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính phối hợp với bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng cho sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Trước biến động về giá của thị trường trong những ngày gần Tết, nhiều doanh nghiệp phân phối, siêu thị tham gia bình ổn giá lên kế hoạch đề nghị ngành công thương, tài chính cho phép tăng giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng từ 5% -10% bởi áp lực từ các yếu tố đầu vào quá lớn. Tuy nhiên, liên ngành công thương- tài chính nhất quyết không đồng ý tăng giá.
Các lực lượng chức năng và quản lý thị trường có kế hoạch phối hợp chặt chẽ triển khai kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, đột xuất, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Sở Công Thương, UBND các quận, huyện tổ các địa phương chức tổ công tác khảo sát thị trường; nhận định, đánh giá thông tin kịp thời để có giải pháp phù hợp, xử lý nhanh chóng, không để phát sinh lây lan gây bất ổn thị trường.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để thực hiện đúng pháp lệnh về giá và ngăn chặn tình trạng đầu cơ lợi dụng khó khăn để nâng giá, tạo khan hiếm giả tạo hàng hóa ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Thanh Hải