Nếu sản xuất hết công suất, lượng cồn trong nước có thể đủ để pha 10 tỷ lít xăng E5 hoặc 5 tỷ lít xăng E10.
Thách thức từ giá nguyên liệu
Bộ Tài chính cho biết, sản phẩm cồn ethanol (etilich nồng độ trên 99% tính theo thể tích) được sản xuất chủ yếu từ sắn. Hiện hầu hết các nhà máy có công suất lớn, mới xây dựng đều sử dụng sắn làm nguyên liệu để sản xuất.
Tính đến tháng 12-2013, ở Việt Nam đã có các nhà máy ethanol với công suất lớn như: Nhà máy cồn Đồng Xanh (Quảng Nam) 120 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Tùng Lâm (Đồng Nai) 72 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Bình Phước (Bình Phước) 100 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Dung Quất (Quảng Ngãi) 100 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Đắc Tô (Kon Tum) 72 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Đắc Nông (Đắk Nông) 45 triệu lít/năm...
Nếu các nhà máy này hoạt động hết công suất để sản xuất cồn nhiên liệu thì tổng công suất có thể đạt khoảng 500 triệu lít, pha được khoảng 10 tỷ lít xăng E5 hoặc khoảng 5 tỷ lít xăng E10.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nguyên liệu đang là một rào cản đối với hoạt động sản xuất cồn ethanol của các nhà máy này.
Cụ thể, theo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, tổng diện tích canh tác sắn- nguyên liệu chủ yếu để sản xuất cồn ethanol - của Việt Nam khoảng 450 nghìn ha, hàng năm sản lượng thu được là 9,5 triệu tấn củ tươi, từ đó chế biến được khoảng 3 triệu tấn sắn khô để dùng làm thức ăn gia súc, xuất khẩu sang Trung Quốc và nguyên liệu cho sản xuất cồn.
Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sắn năm 2014 là 1,042 triệu tấn, còn kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2014 gần 2 triệu tấn.
Một số doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu sắn cho hay, giá thu mua vào khoảng 4.300 đồng/kg (bao gồm cả chi phí bốc xếp, khử trùng, cảng, chưa kể chi phí lãi vay, hao hụt) tương đương 4.300.000 đồng/tấn. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu sắn lát trung bình năm 2013 và 2014 trên 4.867.570 đồng/tấn.
Với những con số đó, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cho rằng, ngành sản xuất ethanol đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đó có thách thức từ giá nguyên liệu quá cao. Có thể nói, hiện nay, 100% các nhà máy cồn bao gồm cả cồn nhiên liệu và cồn thực phẩm đều phải mua nguyên liệu với giá cao, chủ yếu do nhu cầu về sắn lát của Trung Quốc quá lớn, trong khi sản lượng sắn Việt Nam chỉ có hạn.
Tăng thuế vẫn lãi
Để hoá giải khó khăn trên, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất thuế xuất khẩu của sắn lát và cồn ethanol lên.
Theo Bộ Tài chính, khung thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng sắn lát và cồn ethanol là 0%-10%, tuy nhiên biểu thuế xuất khẩu áp dụng hiện tại cho các mặt hàng này đang là 0%.
Tính toán có thể thấy, đối với mặt hàng sắn lát, với giá thu mua là 4.300.000 đồng/tấn, giá xuất khẩu hơn 4.867.570 đồng/tấn, thuế xuất khẩu là 0%, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lãi hơn 567.570 đồng/tấn.
Nếu điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 3%, doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm khoản thuế xuất khẩu là 146.027 đồng/tấn (3% x 4.867.570) thì giá xuất khẩu sẽ còn là 4.721.543 đồng/tấn. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lãi so với giá thu mua sắn trong nước 421.543 đồng/tấn.
Nếu điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 5%, số lãi doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có thể lãi 324.192 đồng/tấn.
Theo đó, để đảm bảo nhu cầu về nguồn nguyên liệu sắn cho sản xuất ethanol, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát (nhóm 0714) từ 0% lên 5%.
Đối với mặt hàng ethanol, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này từ 0% lên 3% do mặt hàng này được chế biến sâu hơn so với mặt hàng sắn lát, đảm bảo nguyên tắc quy định thuế suất thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu cao hơn so với sản phẩm được chế biến sâu hơn.
Việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu sắn lát (nhóm 0714) lên 5% và thuế xuất khẩu ethanol (nhóm 2207) lên 3% đảm bảo phù hợp với quy định về khung thuế suất thuế xuất khẩu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.