Dự kiến thông hầm Bãi Gió đường sắt Bắc - Nam trong 72 giờ tới
Xác định nguyên nhân khiến hầm sạt lở
Sáng 14/4, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho hay các đơn vị liên quan đã đưa ra phương án xử lý dứt điểm việc sạt lở hầm Bãi Gió đường sắt Bắc - Nam (đoạn qua đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà).
“Dự kiến khoảng 3 ngày nữa sẽ thông tuyến, tuy nhiên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang cố gắng để thông tuyến sớm nhất”, ông Vinh thông tin và cho biết thêm, cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân khiến hầm Bãi Gió sạt lở là do tác động của thiên nhiên.
Hơn 230 m3 đất đá đổ xuống đường ray, lực lượng chức năng đang nỗ lực thông hầm trong thời gian sớm nhất. |
Theo đó, đoạn hầm này nằm trong dự án cải tạo hầm yếu đang được thi công, có địa chất phức tạp, đất đá trên núi đã bị phong hóa, qua thời gian mất đi sự dính kết, rời rạc nên khi trùng tu thì xảy ra sạt lở. "Nguyên nhân được xác định là do thiên nhiên tàn phá chứ không phải con người", ông Vinh nói.
Hầm Bãi Gió dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, vỏ hầm làm bằng bê-tông, nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, được xây dựng cách đây hơn 100 năm và đưa vào sử dụng năm 1936. Hầm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Do không gian trong hầm đường sắt chật hẹp, thiếu ánh sáng, xung quanh có mạch nước ngầm chảy quanh, đất đá nhiều nguy cơ tiếp tục sạt lở khiến công nhân và đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn trong công tác khắc phục.
Đến thời điểm này, Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh đã huy động hơn 200 công nhân cùng nhiều phương tiện, máy móc các loại đến khu vực sạt lở, các mũi thi công căng mình thu dọn đất đá sạt lở vận chuyển ra ngoài xuyên ngày đêm.
Đơn vị thi công cũng làm mái vòm bằng sắt đỡ mái hầm đề phòng đất đá sạt lở xuống, gây nguy hiểm cho công nhân.
Hàng trăm công nhân ngành đường sắt và nhiều máy móc, phương tiện được huy động để khắc phục sự cố. |
Đảm bảo an toàn, thông suốt tuyến đường sắt Bắc - Nam
Cơ quan chức năng ghi nhận đợt sạt lở đầu tiên vào trưa 12/4, khoảng 180 m3 đất đá đổ xuống đường ray, kéo dài khoảng 20 m, cách cửa phía bắc hầm chừng 85 m. Thời điểm này không có tàu nào đi qua.
Ngành chức năng nhanh chóng triển khai lực lượng khắc phục sự cố, đến 4h sáng 13/4, khi công việc gần hoàn thành thì bất ngờ xuất hiện đợt sạt lở thứ 2 với khối lượng ước tính khoảng 50 m3. Từ đêm 13/4 đến nay, lượng lớn đất đá từ trên trần hầm tiếp tục rơi xuống khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn, các tàu đi từ phía Nam ra phải dừng ở ga Giã (Khánh Hòa) và các tàu đi từ phía Bắc vào phải dừng ở ga Tuy Hòa (Phú Yên). Ngành đường sắt đã huy động ô tô trung chuyển hành khách qua lại giữa 2 ga.
Tại ga Giã (Khánh Hoà), công tác chuyển tải hành khách trên tàu bằng ô tô qua lại với ga Tuy Hòa (Phú Yên) đang được thực hiện khẩn trương, đảm bảo hành khách được di chuyển sớm nhất. |
Ông Trần Việt Tùng - Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết ngay khi nhận được thông tin hầm Bãi Gió xảy ra sạt lở, ngành đường sắt đã chuyển tải qua lại hành khách giữa 2 ga để tiếp tục hành trình.
Đến rạng sáng 14/4, ghi nhận hơn 4.000 lượt hành khách được chuyển tải qua lại giữa 2 ga. Đơn vị cũng tổ chức hỗ trợ bữa ăn cho hành khách, việc chuyển tải sẽ được tiếp tục thực hiện đến khi hầm được thông tuyến.
Cơ quan chức năng cũng xác định vị trí sạt lở trong hầm nằm dưới làn đường quốc lộ 1, đoạn chạy qua Đèo Cả. Văn phòng Quản lý đường bộ III (Bộ Giao thông vận tải) đã phối hợp với cảnh sát giao thông hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà điều tiết, hạn chế phương tiện đi qua khu vực sạt lở, tránh gây áp lực xuống khu vực đường hầm sắt gặp sự cố.
Ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư dự án và các cơ quan trực thuộc huy động tối đa tất cả các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, khẩn trương thông tuyến đường sắt Hà Nội- TP.Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất.