Có tới 72% du khách không được phổ biến những quy tắc tác động đến môi trường tự nhiên
CôngThương - Xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng năm 1990, khái niệm về "du lịch sinh thái", "du lịch bền vững" đều cùng chung một mục tiêu có trách nhiệm với các giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai và đạt hiệu quả cao từ chương trình này. Tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã khai thác tối đa lợi thế để phát triển du lịch song vẫn bảo vệ các di sản không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động du lịch.
Tại Hội thảo "Du lịch có trách nhiệm và chứng chỉ cho du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam" do Tổng cục Du lịch và Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam đã công bố số liệu, tại Phong Nha - Kẻ Bàng, dù đã có khoảng 70% cộng đồng tham gia vào dịch vụ du lịch, nhưng hiện vẫn có tới hơn 72% du khách không được phổ biến những quy tắc tác động đến môi trường tự nhiên, văn hóa - xã hội. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường - khẳng định, mục tiêu chiến lược giai đoạn 2001 - 2010 về phát triển du lịch bền vững của Việt Nam thời gian qua chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là do chưa có sự quan tâm thỏa đáng đối với bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị thiên nhiên, văn hóa bản địa và lợi ích của cộng đồng ở điểm đến trong hoạt động phát triển du lịch.
Đại diện hãng lữ hành, ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông Vietravel - chia sẻ, hiện nay, hầu hết các điểm du lịch sinh thái của Việt Nam đều không theo một nguyên tắc nào. Tại nhiều địa phương, chỉ cần có một khoảng vườn là được gắn bảng du lịch sinh thái, chứ chưa hướng đến những quy chuẩn của một khu du lịch sinh thái đúng nghĩa. Các địa phương này chỉ hướng đến lợi nhuận mà lãng quên trách nhiệm đặt ra đối với loại hình du lịch đặc thù của mình. Vì thế, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, WWF cần có chương trình tập huấn cho các địa phương, khu du lịch có khuynh hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái, bền vững để dần thay đổi thói quen, nhận thức được lợi ích lâu bền cho doanh nghiệp, cộng đồng và cả đối với sự thụ hưởng của du khách.
Nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả du lịch có trách nhiệm, việc xây dựng một hệ thống chứng nhận du lịch có trách nhiệm rõ ràng, minh bạch và phù hợp đang là vấn đề cấp thiết. Ông Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam - cho rằng, xây dựng chứng nhận du lịch có trách nhiệm là sáng kiến có ý nghĩa khi Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chiến lược về phát triển du lịch bền vững. Đây còn là yếu tố quan trọng góp phần tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày một toàn diện với khu vực và quốc tế. Bộ chứng chỉ cần lấy ý kiến của các chuyên gia du lịch, cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch để có nghiên cứu sâu và toàn diện hơn, được xã hội, trước hết là cộng đồng doanh nghiệp du lịch chấp nhận và cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành thực hiện trong cả nước.