CôngThương - Tham luận tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, “Tăng trưởng xanh” là một giải pháp hữu hiệu vừa đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu. Đây được coi là điều kiện và giải pháp hết sức quan trọng giúp bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Mô hình du lịch tăng trưởng xanh đã được nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới áp dụng. Với Việt Nam, vào tháng 10/2010 tại Hội nghị cấp cao Á- Âu (ASEM) được tổ chức ở Bỉ, Thủ tướng Chính phủ- Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức đề xuất sáng kiến hợp tác Á- Âu về tăng trưởng xanh, sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tổ chức, quốc gia thành viên ASEM
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 của tỉnh TT- Huế định hướng phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng xanh đã được đặt ưu tiên hàng đầu. Theo đó tập trung xây dựng các dòng sản phẩm văn hóa kết hợp với sản phẩm du lịch sinh thái trên cơ sở khôi phục, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống Huế.
Tuy nhiên để du lịch tăng trưởng xanh phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch Việt Nam đang ở vận hội mới trong giai đoạn khó khăn hiện nay vì dòng khách quốc tế đang ngày càng chuyển hướng đổ về Việt Nam, một quốc gia đẹp, môi trường tốt, ốn định chính trị, vì vậy các địa phương, doanh nghiệp lựa chọn tăng trưởng xanh là hướng tăng trưởng thông minh; bảo vệ di sản, cảnh quan, môi trường, tạo nên một điểm đến hấp dẫn… Cần có những cơ chế chính sách phát triển về tăng trưởng xanh, đồng thời cần phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức các ban ngành, cộng đồng dân cư về tăng trưởng xanh; tạo nên những sản phẩm du lịch mới- sản phẩm du lịch tăng trưởng xanh.
Cũng theo hướng đó, ngài Lal Kurukulasuriya – Cố vấn cao cấp của Chương trình Liên hiệp quốc về môi trường, chuyên về biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, luật pháp và chính sách môi trường đã nêu lên 10 thông điệp cốt lõi để phát triển du lịch xanh. Trong đó ông nhận định rằng: “Ngành du lịch có tiềm năng quan trọng như là đầu tàu cho sự phát triển của kinh tế thế giới. Việt Nam đang áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh cho phát triển bền vững và ngành du lịch có thể đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng cao và bền vững trong vòng hai thập niên tới. Huế là điển hình của Du lịch xanh”. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo: Việc xanh hóa nền du lịch Việt Nam đòi hỏi một hệ thống quản lý vùng mạnh hơn từ phía Tổng cục Du lịch Việt Nam để đồng bộ hóa các yêu cầu khác nhau của tiến trình hoạch định du lịch. Vì vậy các chính sách đầu tư của chính phủ có thể tận dụng các hoạt động của lĩnh vực tư nhân về du lịch xanh; đồng thời có những phương cách tiếp cận chủ động hơn trong việc quảng bá du lịch xanh thu hút sự tham gia rộng rãi của thành phần tư nhân, nhất là SMEs (DN vừa và nhỏ).