Hà Nội nỗ lực liên kết với các tỉnh để thu hút hút khách du lịch quốc tế.
CôngThương - Với mục tiêu thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ hơn tại khu vực và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Cần Thơ, ngành du lịch 11 địa phương sẽ hợp tác chặt chẽ trong công tác phát triển du lịch, qua đó tạo sự gắn kết, bổ sung cho nhau, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, có chất lượng cao hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước nhằm mục tiêu nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Theo đó, Hà Nội và các tỉnh thành sẽ hỗ trợ nhau trong công tác quản lý Nhà nước, trao đổi khách hai chiều, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng sản phẩm mới, các tuyến điểm mang lại những nét đặc trưng riêng của mỗi địa phương, trao đổi thông tin, nghiên cứu các sản phẩm du lịch phù hợp với đặc thù về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch, thị trường khách, thể hiện sự kết nối liên vùng; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực, đặc biệt là hỗ trợ tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các địa phương có khu, điểm du lịch, nâng cao nhận thức về du lịch đối với cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch…
Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, việc liên kết hợp tác phát triển du lịch là hết sức quan trọng. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương ,Hà Nội và các tỉnh sẽ có chương trình kết hợ đào tạo, xúc tiến sản phẩm mới, tích cực phối hợp triển khai cụ thể, hiệu quả, rút kinh nghiệm xây dựng chương trình mới. Trong đó, Hà Nội sẽ có kế hoạch cụ thể về hợp tác riêng lẻ, hay theo nhóm dựa trên sự tương đồng, thế mạnh, đặc thù của từng địa phương. Như Hà Nội- Đà Nẵng-TP.HCM nguồn đầu mối giao thông quan trọng của cả nước đón khách quốc tế, cũng như đưa khách du lịch trong nước đưa đi nước ngoài. Hà Nội và Lào Cai hai địa phương quan trọng của nhau trong việc trao đổi khách du lịch. Lào Cai là cửa ngõ quan trọng đối khách du lịch quốc tế từ thị trường Trung Quốc đến với Hà Nội, Lào Cai còn nằm trong trục hai hành lang một vành đai kinh tế, là đầu mối tiếp tục triển khai con đường xuyên Á khai thác nguồn khách cho cả Hà Nội. Ngược lại, Hà Nội có điều kiện tốt để hỗ trợ nâng cao đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho nhân viên ở các địa chỉ du lịch, nâng cao sản phẩm du lịch cho Lào Cai. Nguồn khách du lịch nội địa của Hà Nội cũng rất quan trọng đối với Lào Cai.
Ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương là tạo sự kết nối xây dựng sản phẩm đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ của Việt Nam, tăng nguồn thu cho du lịch. Việc Hà Nội ký kết hợp tác phát triên với 10 tỉnh, là phát huy thế mạnh của địa phương, ạo điều kiện cho du lịch phát triển tốt hơn. Mặt khác, với sự liên kết của 11 tỉnh trọng điểm du lịch là cơ hội để các chương trình phát triển du lịch Chính phủ đề ra sẽ đạt được. Thời gian qua, nhiều hoạt động liên kết, phát triển du lịch theo chủ đề di sản, cộng đồng, con đường huyền thoại… khắp 3 miền với nhiều mô hình tốt, đã tạo dựng được hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, liên kết giữa các địa phương còn lỏng lẻo, chưa có người cầm trịch, vì thế chương trình liên kết của Hà Nội và 10 tỉnh lần này phải có lộ trình cụ thể, đặc biệt tạo dựng cho doanh nghiệp liên kết có cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tham gia, vì doanh nghiệp đóng vai trò hàng đầu trong phát triển du lịch của mỗi địa phương.
Với sự tăng cường liên kết, quảng bá sản phẩm du lịch năm 2011, một số thị trường khách trọng điểm đến Hà Nội đều tăng đáng kể như khách Trung Quốc đạt 309.400 lượt khách, tăng 19% so với năm ngoái, khách Úc đạt 108.924 lượt khách, tăng 28%, khách Nhật Bản đạt 115.576 lượt khách, tăng 13%, khách Hàn Quốc đạt 53.058 lượt khách, tăng 22%. Lượng khách nội địa đến Hà Nội ước đạt 11.660.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2012, cùng với chương trình liên kết với 10 tỉnh trong phát triển du lịch, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, dự án quan trọng để thu hút khách du lịch đến với Thủ đô. Như quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, xây dựng chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Tham gia phối hợp thực hiện đề án mở rộng một số tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; Đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ XI của Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á (CPTA); Hoàn thành xây dựng biển quảng bá du lịch tấm lớn tại vị trí cửa ngõ vào thành phố theo các tuyến quốc lộ 1, 3, 5, 32..., đồng thời tổ chức đoàn xúc tiến giới thiệu điểm đến Du lịch Hà Nội tại hai thị trường gửi khách tiềm năng là Đông Âu (Ba Lan - Hungary – Séc) và Châu Đại Dương (Úc - Niu di lân).