Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn chưa có nhiều chương trình hấp dẫn du khách.
CôngThương - Tiềm năng phong phú
Hải Dương có trên 3.000 di tích lịch sử văn hóa phong phú, tiêu biểu là di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Cao, đền Tranh,… Nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú, như: Núi Côn Sơn, Phượng Hoàng, các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn: sông Hương, đảo Cò Chi Lăng Nam... Bên cạnh đó, là các làng nghề truyền thống: Múa rối nước Hồng Phong, gốm Chu Đậu, vàng bạc Châu Khê, chạm khắc gỗ Đông Giao…
Tuy nhiên, qua chuyến khảo sát do Tổng cục Du lịch tổ chức mới đây, hầu hết các doanh nghiệp (DN) lữ hành đều băn khoăn: Liệu có nên thiết kế tour đưa khách về với Hải Dương hay không? Bởi theo họ, Hải Dương mới có món sản phẩm chứ chưa có gói sản phẩm. Qua 8 điểm khảo sát, từ di tích lịch sử, làng nghề đến khu sinh thái đều bộc lộ nhiều điểm yếu về nguồn nhân lực, dịch vụ, khả năng kết nối, phát triển manh mún, số lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế chiếm tỷ lệ thấp, đa phần là các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn tối thiểu, quy mô nhỏ.
Bà Thúy Ngần - Công ty Du lịch Hà Nội - cho hay, khách quốc tế luôn quan tâm đến dịch vụ, nhưng Hải Dương chỉ có sản phẩm lạ, dịch vụ phụ trợ rất thiếu. Cụ thể, khu sinh thái đảo Cò được giới thiệu là điểm đến hấp dẫn, nhưng phải đi mất gần 1 giờ mới đến được và chỉ ngắm cò, vạc 20 phút là hết chương trình. Chia sẻ cảm nhận, ông Nguyễn Mẫn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - cho rằng, các hoạt động văn hóa, lễ hội, di tích ở đây đều trùng lặp với các tỉnh khác, thiếu điểm nhấn, nên rất mờ nhạt trong tâm trí của du khách. Ông Risto Honkanen - Giám đốc điều hành khách sạn Nam Cường - bày tỏ, hầu hết các thương gia, doanh nhân nước ngoài thường ngày ở TP.Hải Dương, còn tối họ lại về Hà Nội, do Hải Dương thiếu điểm vui chơi giải trí.
Đi bằng hai chân
Để tạo thương hiệu cho du lịch Hải Dương, đại diện các DN đã “hiến kế”: Tỉnh nên quy hoạch du lịch theo cụm, tạo điểm nhấn, tránh dàn trải; DN, nhà quản lý liên kết chặt chẽ, tính toán kỹ nên đưa ra sản phẩm gì có thế mạnh để chào bán, quảng bá. Tại các điểm dừng chân, phải xem xét chất lượng phục vụ, giá cả và xử lý triệt để tình trạng không đón khách nội địa. Thành lập Trung tâm xúc tiến du lịch gắn với các DN để thường xuyên cập nhật các thông tin mới. Có chính sách ưu đãi thông thoáng để thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án tại các điểm du lịch trọng tâm.
Ông Nguyễn Thế Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) - nhấn mạnh, để du lịch Hải Dương phát triển, phải đi cả hai chân. Ngoài việc liên kết với địa phương khác, tỉnh cần xây dựng chính sách kích cầu để DN đưa khách đến, chứ không phải hạ giá để cạnh tranh. Tập trung phát triển về du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh có chiều sâu nhằm xây dựng thương hiệu mới trở thành điểm đến hấp dẫn chứ không chỉ là điểm trung chuyển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Hiện Hải Dương đang quy hoạch các điểm du lịch, quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch mang nét đặc thù riêng của tỉnh. |