Cơ sở hạ tầng của Lai Châu kém hấp dẫn du khách
CôngThương - Giàu tiềm năng
Lai Châu là tỉnh miền núi có nhiều địa danh du lịch, với vẻ đẹp tự nhiên, như: Du lịch hang động, ruộng bậc thang, thác, suối nước nóng… và các lễ hội mang đậm bản sắc 12 dân tộc anh em sinh sống ở khắp các huyện, thị trong tỉnh, cùng nhiều điểm du lịch lịch sử. Nơi đây, các nhà khảo cổ học đã tìm ra những di tích lịch sử ghi dấu sự xuất hiện của người Việt cổ như: Hang Thẩm Đán Chế (huyện Than Uyên), Hang Nậm Phé, Nậm Tun (xã Mường So, huyện Phong Thổ)…
Đặc biệt, những phiên chợ vùng cao Lai Châu mang đầy màu sắc của hàng hóa và sắc màu trang phục các dân tộc bản địa, từ Mông đen đến Mông hoa, từ Dao trắng đến Dao đỏ… đã thu hút lượng khách trong và ngoài nước đến dã ngoại khá nhiều.
“Có thể nói Sìn Hồ không thua kém Sa Pa, nếu được đầu tư đến nơi đến chốn sẽ là điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam”- ông Sùng A Hồ - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin & Du lịch - tự tin khẳng định.
Nhiều bất cập
Giàu tiềm năng khác biệt, nhưng đến thời điểm này, du lịch Lai Châu vẫn còn mờ nhạt. Theo ông Sùng A Hồ, cơ sở hạ tầng yếu kém là vấn đề mấu chốt khiến du lịch chậm phát triển. Giao thông chủ yếu vẫn là đường độc đạo, nhiều đoạn hẹp, đèo dốc quanh co, hiểm trở, đặc biệt về mùa mưa còn sạt lở, ách tắc, đi lại hết sức khó khăn, nguy hiểm.
Năng lực đội ngũ làm du lịch vừa thiếu vừa yếu. Công tác liên kết, phối hợp của các địa phương với các tỉnh trong vùng chưa gắn kết; ngân sách hạn chế. Việc tôn tạo các di tích lịch sử, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách, các tài nguyên chưa thành sản phẩm du lịch.
Khách du lịch đều có chung nhận xét, nếu vào các trang mạng thấy rất ít thông tin về Lai Châu. Hiện nay, du khách tiếp cận thông tin chủ yếu qua các tài liệu đơn lẻ ở các công ty, địa phương tự quảng bá, nếu qua các sách hướng dẫn còn nhiều bất cập. Cơ quan quản lý và DN kinh doanh dịch vụ du lịch chưa gắn kết, hợp tác liên kết phát triển.
Ông Lê Xuân Phùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - cho rằng, ngoài sự liên kết phát triển, hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh về du lịch của tỉnh cũng là một trong những giải pháp cấp thiết được đặt ra. Việc giới thiệu các nét đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, đất nước, con người, địa danh và đặc trưng văn hóa các dân tộc chính là cách tiếp cận gần hơn với khách du lịch. Đồng thời, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề phát triển du lịch của Lai Châu trong thời gian tới.
Ông Lê Xuân Phùng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: “Để du lịch Lai Châu phát triển đúng với tiềm năng sẵn có, vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đường giao thông là điều quan trọng nhất, phù hợp với định hướng phát triển du lịch, giúp khoảng cách xuôi, ngược được thu hẹp!”. |