Du lịch Phú Quốc: Bao giờ “gà đẻ trứng vàng”?
- Hình như thiên nhiên dành nhiều sự ưu đãi cho Phú Quốc. Biển Phú Quốc nông, nước mát, không gian yên tĩnh. Các bãi biển tràn ngập một màu vàng của nắng và cát giữa không gian tĩnh lặng đầy hoang sơ. Vận tải phát triển, kéo Phú Quốc gần với đất liền hơn. Tàu cao tốc Phú Quốc- Kiên Giang chỉ mất 2,5 giờ, một ngày chạy 4 chuyến thay vì ngày 1 chuyến và phải mất 8 giờ mới tới được đảo như trước...
Chưa biết làm du lịch?
Cũng bởi còn đậm chất hoang sơ nên phải chăng người Phú Quốc chưa biết làm du lịch?
Giá cả ở đây đắt đỏ do hầu hết nhu yếu phẩm đều phải chuyển đất liền ra. Đặc biệt, giá phòng khách sạn ở Phú Quốc cao hơn các điểm du lịch khác, từ 770- 850 nghìn đồng/phòng bình dân, song chất lượng dịch vụ không tương xứng.
Phú Quốc xác định gắn du lịch với nghề cá truyền thống, giúp ngư dân tăng doanh thu và giới thiệu nét độc đáo của làng nghề Phú Quốc. Nhưng đến nay vẫn chưa có những tour đặc thù, hầu hết là các dịch vụ lẻ tẻ, như câu mực đêm... Ngoài ra, Phú Quốc vẫn thiếu những sản phẩm du lịch từ biển. Ngọc trai Phú Quốc sáng bóng, chất lượng cao hơn ngọc trai Trung Quốc nuôi nước ngọt, song giá bán cao, mẫu mã chưa phong phú.
Hiện nay, hầu hết các xã và thị trấn trên toàn huyện đảo Phú Quốc đã có điện. Nhưng, điện luôn là mối lo của các khách sạn, nhà hàng trên đảo. Giá điện ở Phú Quốc khá cao, 10.000đồng/kWh điện kinh doanh. Thế nhưng, cả nguồn và chất lượng điện đều không đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng mất điện thường xuyên khiến nhiều khách sạn phải sử dụng máy phát điện, chi phí tăng cao thêm...
Kỳ vọng “gà đẻ trứng vàng”!
Các nhà đầu tư “đổ thừa” cho cơ sở hạ tầng kém, ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Mục tiêu phát triển kinh tế biển và trở thành đặc khu hành chính kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020 (Quyết định số 1255/QĐ- TTg) đang tăng thêm áp lực cho cơ sở hạ tầng của Phú Quốc. Những ngày đầu tháng 9, Phú Quốc ngổn ngang như một “đại công trường”. Đường trục chính Nam- Bắc đảo dài 51,2 km, một trong 3 dự án giao thông lớn nhất hiện nay, mới thi công được một số đoạn trên phần đất không phải bồi thường giải tỏa.
Huyện đảo Phú Quốc có tổng diện tích 589,23km2. Theo số liệu của Sở Kế hoạc và Đầu tư Kiên Giang, đến nay đã có 75 dự án được cấp giấy phép đầu tư hoặc quyết định cho phép đầu tư, với số vốn đăng ký lên đến 48.187 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng chưa triển khai. Tính đến cuối tháng 6/2011, tại Phú Quốc mới có 8 dự án đi vào hoạt động và 11 dự án đang triển khai.
Lâu nay, đặc khu kinh tế vẫn được xem là “gà đẻ trứng vàng”, tạo ra sự đột phá về kinh tế. Vấn đề cơ sở hạ tầng đã có hướng giải quyết khi mới đây, Chính phủ quyết định cấp thêm cho Kiên Giang 700 tỷ đồng để tiếp tục thi công những công trình giao thông ở huyện đảo Phú Quốc đã tạm ngừng trong năm 2011 do khó khăn về vốn. Cùng với đó, dự án sân bay quốc tế Phú Quốc đang gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng, để cuối năm đưa vào khai thác. Dự kiến, cuối năm 2013, lưới điện của huyện Đảo Phú Quốc sẽ được kết nối với mạng lưới điện quốc gia qua hệ thống cáp ngầm xuyên biển 110KV Hà Tiên- Phú Quốc...
Tuy nhiên, với thực lực hiện nay, Phú Quốc có đủ sức xoay chuyển được tình thế để trở thành 1/20 đặc khu kinh tế của Việt Nam vào năm 2020?
Hải Vân