Du lịch TP.Hồ Chí Minh: Cơ hội định vị thương hiệu toàn cầu
Ô |
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh hiện nay?
Ông Hà Văn Siêu: Có thể nói, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng chỉ mới thực sự phát triển khi chủ trương đổi mới và chính sách mở cửa phát huy tác dụng từ những năm 90. Trong tiến trình phát triển ấy, du lịch TP. Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu về quy mô, tính chất đa dạng và tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ du lịch. Năm 2014, trong số 7,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì có hơn 50% (4,4 triệu lượt) khách quốc tế đến/qua TP. Hồ Chí Minh. Và trong số 38,5 triệu lượt khách du lịch nội địa thì TP. Hồ Chí Minh đón tiếp và phục vụ 17,6 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch của TP. Hồ Chí Minh năm 2014 đạt trên 86.000 tỷ đồng chiếm 37% tổng thu du lịch cả nước. TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung lớn nhất các hãng lữ hành quốc tế và nội địa như Saigontourist, Peace Tour, Vietravel, Benthanh Tourist...; là đầu mối phân phối khách của cả khu vực phía Nam và lan tỏa các vùng, miền cả nước. Đây đồng thời là trung tâm của các cơ sở dịch vụ lưu trú, giải trí cao cấp dẫn đầu cả nước. Có thể nói, những chỉ số cơ bản đó khẳng định vị thế trung tâm và vai trò đầu tàu của du lịch TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông, du lịch TP. Hồ Chí Minh đã phát triển xứng tầm với vai trò là trung tâm, đầu tàu du lịch của Việt Nam?
Ông Hà Văn Siêu: Đánh giá một cách khách quan và toàn diện, du lịch TP. Hồ Chí Minh đã, đang và luôn khẳng định vị thế trung tâm, vai trò đầu tàu của du lịch Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh đã khai thác đúng vị trí trung tâm thu hút, phân phối và trung chuyển khách; dẫn dắt về phong cách, đẳng cấp và tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch. Tuy nhiên đã xứng tầm chưa thì còn tùy thuộc vào mục tiêu và tầm nhìn mà nhà quản lý kỳ vọng. Nếu lấy bối cảnh trong nước thì du lịch TP. Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mệnh, nhưng ở bối cảnh toàn cầu thì năng lực cạnh tranh của điểm đến TP. Hồ Chí Minh còn rất xa mới có thể trở thành trung tâm thu hút, trung chuyển và phân phối khách của khu vực Đông Nam Á hay so với hình ảnh “Hòn ngọc Viễn Đông” mà Bangkok (Thái Lan) xưa kia vẫn từng phải theo đuổi.
Các tuyến du lịch đường sông ở TP. Hồ Chí Minh đắt khách |
Là trung tâm kết nối các điểm đến du lịch vùng phụ cận của các tỉnh phía Nam, ngoài những cái đã làm được, du lịch TP. Hồ Chí Minh còn những hạn chế nào trong việc phát huy vai trò, sức mạnh của mình, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Có thể thấy, TP. Hồ Chí Minh đã cung cấp dịch vụ và kết nối xuất sắc với các điểm đến vệ tinh phụ cận như: Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Khánh Hòa... và khai thác tài nguyên của vùng phụ cận phục vụ cho điểm đến trung tâm thành phố.
Thực tế, du lịch TP. Hồ Chí Minh phải hỗ trợ các địa phương lân cận trở thành hậu bị bền vững khi năng lực cung cấp dịch vụ của các địa phương phụ cận phải cùng được nâng cao tương ứng, nhưng đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc đa dạng, độc đáo của các địa phương. Có như vậy thương hiệu du lịch TP. Hồ Chí Minh mới mạnh và bền vững dựa trên sức mạnh phát huy của tất cả các điểm đến phụ cận ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực trạng: TP. Hồ Chí Minh chưa làm được nhiều lắm để các địa phương điểm đến vệ tinh vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đủ năng lực song hành với trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã có những chỉ đạo và giải pháp gì để khắc phục những điểm cần hạn chế của du lịch TP. Hồ Chí Minh?
Ông Hà Văn Siêu: Khi thực hiện các chương trình phát triển du lịch vùng, Tổng cục Du lịch luôn lấy TP. Hồ Chí Minh là trung tâm và khai thác yếu tố này để lan tỏa đến các địa phương phụ cận. Ngoài ra, luôn luôn kêu gọi và định hướng cho TP. Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình hành động liên kết hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, như: Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo, phát triển nhân lực; xúc tiến quảng bá dựa trên những giá trị tài nguyên đặc sắc của TP. Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh. 10 năm qua, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia phối hợp của Tổng cục Du lịch đã thu hút được sự hưởng ứng, gắn kết các tỉnh phụ cận với TP. Hồ Chí Minh.
Mới đây, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh chính thức được tái thành lập. Tôi tin rằng, năng lực và tính chuyên nghiệp trong quản lý và tham mưu cho UBND thành phố hứa hẹn sẽ đưa du lịch TP. Hồ Chí Minh ở tầm cao hơn, năng động hơn, ứng phó nhanh, hiệu quả cũng như khả năng hội nhập và tiếp cận chuẩn mực toàn cầu gần hơn.
Tổng cục Du lịch đang tích cực tổ chức triển khai Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Nghị quyết 92/NQ-CP, ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó định hướng đối với TP. Hồ Chí Minh tập trung nguồn lực, phát huy lợi thế so sánh để khắc phục những điểm yếu và hạn chế hiện nay. Mặt khác, hướng tới mục tiêu phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước với vai trò trung tâm thu hút, trung chuyển và phân phối khách cho cả khu vực Nam bộ, Nam Trung bộ và ASEAN. |
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập vào cuối năm nay, du lịch TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội và thách thức nào?
Ông Hà Văn Siêu: Cơ hội rõ nhất là tăng cường thu hút khách du lịch, lan tỏa sức hấp dẫn và định vị thương hiệu trong khu vực ASEAN thông qua phát huy vị thế, tiềm năng, chất lượng, tính đa dạng, độc đáo của bộ sản phẩm du lịch của TP. Hồ Chí Minh. Còn thách thức chính là cạnh tranh trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng du lịch toàn cầu, thể hiện ở hạ tầng, nhân lực (quản trị toàn cầu), dịch vụ đạt chuẩn và hợp chuẩn cùng với khung thể chế năng động và tương thích.
Để vượt qua các thách thức thời kỳ hội nhập, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cần có những giải pháp ứng phó ra sao?
Ông Hà Văn Siêu: Giải pháp thì nhiều nhưng theo tôi, cần nhìn thẳng vào những điểm yếu, nút thắt của vấn đề để tháo gỡ từng bước; đòi hỏi phải có sự ra tay hợp sức của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Một nụ cười của người dân, một khu phố xinh, sạch, đẹp, một nơi không có sợ sệt mà chỉ có sự thân thiện, không có ăn xin, cướp giật, không có sự bắt chẹt...- đó là những giải pháp đi từ việc nhỏ góp lại thành lớn. Bên cạnh đó là quá trình cải cách hành chính, thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, phát triển sản phẩm dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, đào tạo, phát triển nhân lực và quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng như định vị xứng tầm vị thế một trung tâm du lịch của cả nước và khu vực ASEAN.
Trân trọng cảm ơn ông!