CôngThương - Nguyên tắc chính của phát triển du lịch sinh thái là các hoạt động du lịch không được làm ảnh hưởng đến diễn biến tự nhiên của các hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật, cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ở địa phương. Cộng đồng dân cư được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Muốn vậy, trước mắt, cần có các hoạt động nghiên cứu xây dựng phương thức hỗ trợ các mô hình du lịch có trách nhiệm với môi trường xung quanh tại các khu bảo tồn, với sự tham gia có hiệu quả của khu vực tư nhân.
Đại diện dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Việt Nam” cho biết, gần đây, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành, tạo cơ sở cho một số mô hình đầu tư mới nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, đặc biệt trong ngành công nghiệp du lịch. Đây được xem là cơ hội lớn cho cả 2 khu vực công - tư.
Theo kết quả khảo sát mới đây của VBCSD và GIZ, trong bối cảnh phần lớn các địa điểm du lịch truyền thống đã trở nên quá tải, du lịch tại các khu bảo tồn là một hướng kinh doanh nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, khai thác hướng kinh doanh này một cách bền vững là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp, cũng như chính quyền địa phương và các nhà hoạch định chính sách. Qua thực tiễn kinh doanh của nhiều doanh nghiệp du lịch, những thách thức thường gặp phải là thủ tục đầu tư, chứng từ thanh toán không đầy đủ, mức phí không hợp lý và không ổn định do các ban quản lý khu bảo tồn đưa ra… Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn có cơ chế bảo hộ bản quyền để nhà đầu tư đủ thời gian khai thác, thu hồi vốn, đồng thời ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới kinh doanh du lịch tự phát tràn lan và không có trách nhiệm tại các khu bảo tồn.
Bà Sophie Grunze - chuyên gia GIZ - cho rằng, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh du lịch có trách nhiệm tại các khu bảo tồn, các doanh nghiệp và các bên liên quan cần giải quyết các vấn đề: Bảo tồn cân bằng và nhu cầu du lịch; đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương; các nguồn lực tài chính và nhân lực; giáo dục môi trường cho du khách, hướng dẫn viên và doanh nghiệp.
Ông Ngô Tiến Dũng - đại diện DoNC - nhìn nhận, hiện nay, một số hoạt động tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên còn mang tính tự phát, chưa sản phẩm và thị trường mục tiêu, chưa đầu tư phát triển sinh thái. Ngoài ra, nhiều vườn quốc gia do phát triển du lịch quá nóng, thiếu quy hoạch, giám sát đã gây nên tác động xấu đến bảo tồn thiên nhiên như: rác thải, ô nhiễm nguồn nước và phá vỡ cảnh quan môi trường.
Bộ NN&PTNT vừa ban hành một loạt văn bản liên quan tới lĩnh vực du lịch tại các khu bảo tồn. Thời gian tới, tình hình này sẽ được cải thiện hơn và mô hình du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm sẽ được nhân rộng, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực. |