Dự luật cá da trơn của Mỹ: Đi ngược thương mại tự do
- Chương trình thanh tra cá da trơn bắt đầu từ năm 2008 với mục đích bảo hộ thị trường cá tra nội địa, đưa cá tra Việt Nam ra khỏi thị trường Mỹ.
Chánh thanh tra của Thượng viện Mỹ cho biết, chương trình thanh tra cá da trơn là một sự lãng phí tiền vì chương trình này cũng chỉ là kiểm tra lại một lần nữa mà trước đó đã đươc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thực hiện.
Do đó, đầu năm nay, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu hồi để loại bỏ việc kiểm tra này. Tuy nhiên, mới đây Ủy ban nông nghiệp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu để duy trì văn phòng cá da trơn trong Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) như là một phần của Đạo Luật nông nghiệp.
Lý do mà nông dân nuôi cá da trơn Mỹ đưa ra như lời của ông Butch Wilson- Chủ tịch Hiệp hội cá da trơn Mỹ (CFA) đã nói trong cuộc tranh luận của Thượng viện rằng: “Sự cố về an toàn thực phẩm từ cá cho dù xảy ra trong hay ngoài nước đều có tác động như nhau, khiến niềm tin của người tiêu dùng vào cá da trơn bị giảm xuống”.
Nông dân nuôi cá da trơn của Mỹ đã đấu tranh để duy trì văn phòng thanh tra này vì họ cho rằng một mình FDA kiểm tra là không đủ tốt, nên cần phải tăng cường kiểm tra thêm, đó là một phần nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Điều này là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết, sinh kế của gần 3 triệu nông dân và công nhân Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu cá tra và nguy hiểm hơn đó là, Dự luật cá da trơn của Mỹ đã đi ngược lại nguyên tắc thương mại tự do mà Mỹ đã cam kết với quốc tế.
Sao Mai