Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)- Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về cạnh tranh
Tin hoạt động 15/11/2017 16:09
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Dự thảo Luật đã đưa ra những nền tảng dựa trên cơ sở pháp lý và kinh tế. |
Sửa đổi luật từ yêu cầu của thực tiễn
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế; nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các đại biểu nhấn mạnh, sửa đổi Luật Cạnh tranh là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Khẳng định cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh sau 12 năm thực thi, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, Việt Nam đã và đang hội nhập, mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. “Chúng ta không kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài và sẵn sàng đối xử tốt với họ miễn là tuân thủ luật pháp quốc gia, các hàng rào kỹ thuật”- đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh và nêu thực trạng, gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực bán lẻ, dược phẩm, khám chữa bệnh, vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa mà nổi lên là điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn đang báo động về việc từng bước bị loại khỏi thị trường trong nước mà các cơ quan quản lý nhà nước hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như: chuyển giá, mua bán sáp nhập ở tầng trên bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trốn thuế bằng công nghệ cao, điều chuyển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn…
Tán thành cách đặt vấn đề của đại biểu Nghĩa, các đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng), Trần Thị Hiền (Hà Nam) nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Cạnh tranh để đạo luật này thực sự đóng vai trò trụ cột, xương sống khỏe khoắn của thể chế kinh tế thị trường.
Dẫn thực tế từ “cuộc đối đầu” giữa taxi công nghệ Uber, Grab với taxi truyền thống, đại biểu Hiền cho rằng, cần nhìn nhận đây như một cú huých cho thể chế cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường.
“Tôi tán thành quan điểm của Ban soạn thảo về việc cần hoàn thiện các quy định về cạnh tranh không lành mạnh vốn là vấn đề rất phức tạp và diễn biến muôn màu, muôn vẻ ở các lĩnh vực ngành nghề”- nữ đại biểu đoàn Hà Nam khẳng định.
Bổ sung thêm ý kiến, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tin tưởng: “Luật Cạnh tranh có thể và phải đóng góp nhiều hơn vào việc tăng cường nội lực Việt Nam, nếu không thì những cái bấm nút của đại biểu sẽ không tròn trách nhiệm phải có của nó”.
Đại diện Cơ quan soạn thảo giải trình những băn khoăn của đại biểu Quốc hội
Giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu quan tâm trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), thay mặt Cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, qua quá trình tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nội dung được thể hiện trong dự thảo luật này đã nhận được sự đồng thuận cao.
Đi vào từng nội dung, cụ thể, về lý do mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và cũng như mở rộng đối tượng điều chỉnh, Bộ trưởng cho biết, theo thông lệ quốc tế các hoạt động xử lý các vụ việc liên quan đến cạnh tranh và hành vi phạm cạnh tranh đã được thực hiện trên vi trên toàn cầu. Một số trường hợp các quốc gia, các nền kinh tế không có những thỏa thuận trực tiếp nhưng theo thông lệ vẫn thực hiện các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan điều tra về cạnh tranh cũng như xử lý các vụ việc vi phạm cạnh tranh.
Về mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và các bộ luật khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban soạn thảo đã có rất nhiều buổi thảo luận, hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nên dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) “đưa ra những nền tảng dựa trên cơ sở pháp lý và kinh tế để xây dựng, hoàn thiện và thực hiện môi trường cạnh tranh” – Bộ trưởng phân tích và khẳng định, không có vấn đề đáng lo ngại về mâu thuẫn luật pháp. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát đối với các luật có liên quan để đảm bảo tính hoàn thiện, thống nhất của hệ thống pháp luật về cạnh tranh, trong đó Luật Cạnh tranh sẽ là nền tảng.
Làm rõ những băn khoăn của đại biểu về tính độc lập và mô hình của cơ quan cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng nhắc lại, khi Luật Cạnh tranh năm 2004 có hiệu lực, chúng ta đã có thể chế tham gia của Hội đồng cạnh tranh, đây là một hội đồng tập thể với đại diện tham gia của các bộ, ngành có liên quan. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại, hiệu quả không cao, vì vậy, việc hoàn thiện cơ quan cạnh tranh quốc gia trên cơ sở đảm bảo tính độc lập, tính pháp lý để đảm bảo thực thi quá trình tố tụng cạnh tranh, duy trì những nguyên tắc cạnh tranh trong khuôn khổ của luật pháp đòi hỏi phải có vai trò của một cơ quan cạnh tranh quốc gia.
“Ban soạn thảo đã khảo sát 100 trường hợp trên thế giới thì có 45 trường hợp các cơ quan cạnh tranh trực thuộc Chính phủ; 21 cơ quan trực thuộc của Quốc hội và các tòa án độc lập; 34 cơ quan trực thuộc bộ” – Bộ trưởng đưa số liệu và cho biết, trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giản bộ máy, nên Ban soạn thảo đã đưa ra quy định về Cơ quan cạnh tranh Quốc gia như trong dự thảo và các quy định để đảm bảo sự minh bạch, công khai và công bằng trong quá trình hoạt động của Cơ quan cạnh tranh quốc gia.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp thu, nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 5.