Bộ Y tế cho biết, Pháp lệnh dân số năm 2003 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI thông qua ngày 9/1/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2003. Sau hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh dân số đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Pháp lệnh dân số góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với công tác dân số, trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ dân số trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn, thuận tiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, Pháp lệnh dân số đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cụ thể như:
Một là, nhiều quy định của Pháp lệnh còn nặng tính nguyên tắc, chung chung, thiếu cụ thể, không có chế tài xử lý và tính khả thi còn hạn chế, nên khó áp dụng được trong thực tiễn.
Hai là, thiếu các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân, gia đình trong việc thực hiện các mục tiêu dân số; không quy định biện pháp ưu tiên, mức ưu tiên sử dụng các dịch vụ dân số đối với người nghèo, người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn.
Ba là, không quy định cụ thể quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, điều kiện cung cấp các dịch vụ dân số; không quy định cụ thể biện pháp ưu tiên, mức ưu tiên đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ dân số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Bốn là, đến nay nhiều Luật chuyên sâu được ban hành với những quy định cụ thể, nên Pháp lệnh dân số có những nội dung trùng lặp, thiếu thống nhất với pháp luật hiện hành.
Năm là, thực trạng các vấn đề dân số, điều kiện kinh tế xã hội đã thay đổi nhiều so thời điểm ban hành Pháp lệnh dân số và những vấn đề dân số mới phát sinh chưa được điều chỉnh trong Pháp lệnh dân số như: Mức sinh thay thế đã được duy trì 9 năm qua nhưng việc duy trì mức sinh thay thế là hết sức khó khăn; mức sinh có chênh lệch bất lợi giữa các vùng, tỉnh, thành phố; vô sinh có xu hướng gia tăng, các biện pháp can thiệp chưa hiệu quả; mất cân bằng giới tính khi sinh bước vào mức cao…
Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho việc thực hiện và quản lý dân số, góp phần phát triển nhanh, bền vững, Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật dân số để giải quyết những hạn chế, tồn tại và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn công tác dân số.
Dự thảo Luật dân số gồm 9 chương, 66 điều, bên cạnh những quy định chung, Bộ Y tế đã đề xuất những quy định về quy mô dân số; cơ cấu dân số; chất lượng dân số; phân bố dân số; lồng ghép dân số trong phát triển; biện pháp thực hiện công tác dân số; quản lý nhà nước về dân số…