Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương: Đổi mới quản lý thương mại biên giới
Luật Quản lý ngoại thương ra đời sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu |
Về sự cần thiết của Luật Quản lý ngoại thương, ông Ngô Đức Minh - đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) - cho biết: Hệ thống pháp luật về ngoại thương hiện hành còn trùng lắp, chồng chéo, tính ổn định còn thấp. Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ công tác quản lý nhà nước về ngoại thương. Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng nhiều hiệp định thương mại tự do khác, nhưng cơ chế quản lý ngoại thương hiện hành đang tạo ra những rào cản về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ hoạt động ngoại thương cần những cơ sở pháp lý ở mức cao nhất, nhằm tận dụng tối đa các ưu thế, ưu đãi trong khuôn khổ các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Ông Ngô Đức Minh cho biết thêm, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương quy định khá rõ về quản lý hoạt động ngoại thương đối với các nước có chung đường biên giới trên đất liền; chính sách quản lý, hỗ trợ, cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới tại cửa khẩu biên giới đất liền... Nội dung quản lý ngoại thương bao gồm các biện pháp quản lý đặc thù, quản lý hoạt động thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền, cơ chế điều hành, phối hợp của các lực lượng tại cửa khẩu cũng như chính sách quản lý, phát triển, các hoạt động hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua các cửa khẩu biên giới đất liền…
Được biết, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu sang Trung Quốc 300.000 tấn dưa hấu. Phía Việt Nam đầu mối bán rất đông nhưng phía Trung Quốc chỉ có 3 đầu mối tiêu thụ, thống nhất một giá mua. Kết quả thương nhân Việt Nam luôn thua thiệt. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về hoạt động ngoại thương yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu có luật, rất có thể tình trạng đó sẽ được giảm thiểu.
Tháng 6/2015, Quốc hội đã có Nghị quyết số 89/2015/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đưa dự án Luật Quản lý ngoại thương vào chương trình. Dự kiến, Luật Quản lý ngoại thương sẽ được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 và thông qua vào kỳ họp thứ 3. |