Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương theo đúng quan điểm Chính phủ kiến tạo!
Tin hoạt động 07/11/2016 14:29
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Ảnh: TTXVN |
Cần có cơ quan đầu mối, chủ trì
Trong phiên họp sáng nay, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương, đặc biệt là nội dung liên quan đến những qui định cụ thể trong xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động cửa khẩu, tên gọi của Luật, vai trò của Bộ Công Thương trong quản lý ngoại thương…. Hầu hết các đại biểu đều có chung ý kiến về việc cần thiết sớm ban hành Luật Quản lý ngoại thương.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến, Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương được soạn thảo công phu, hoàn chỉnh và khẳng định việc cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng góp ý về những quy định còn chung chung trong dự thảo cần được điều chỉnh. Cần hạn chế, giảm bớt những quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo ông Lộc, việc kiểm tra chuyên ngành gắn với thẩm quyền của nhiều Bộ, ngành… như vậy sẽ có thể gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc ban hành luật là cần thiết vì giúp hệ thống hóa các quy định, giúp hội nhập kinh thế, thúc đẩy phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế. Đại biểu Vân Chi cho rằng, luật cần quan tâm đề cập nội dung quản lý liên quan đến quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của các thương nhân nước ngoài… Hiện nay xảy ra tình trạng các thương nhân nước ngoài thông qua đại lý tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, những thương nhân này tham gia với nhiều mục đích, kể cả phi thương mại… Nhiều thương nhân không có người đại diện nhưng vẫn tiến hành kinh doanh. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo có đánh giá cụ thể hơn, có những điều khoản quy định thể hiện sự phối hợp giữa các ban ngành để nâng cao hiệu quả trong quản lý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu bật việc cần thiết phải ban hành Luật Quản lý ngoại thương. Theo đại biểu, thời gian qua hoạt động ngoại thương đã có những đóng góp lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc hạn chế thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng gian nhập lậu… Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cần phải có cơ quan đầu mối, chủ trì hoạt động ngoại thương. Vì vậy, đại biểu nhất trí và ủng hộ việc tăng cường vai trò của Bộ Công Thương trong quản lý ngoại thương. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu ý kiến cần thành lập hội đồng quản lý ngoại thương thuộc Chính phủ. Như vậy sẽ thuận lợi trong điều hành vì hoạt động này liên quan đến các Bộ, ngành khác…
Đại biểu cũng góp ý, việc cần làm rõ các khái niệm trong dự thảo luật và dự thảo cần có thêm ý kiến thảo luận của các hiệp hội, ngành hàng. Vì chính những hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp mới hoạt động và va chạm thực tế...
Tạo môi trường phát triển và tuân thủ các quy tắc quốc tế
Thay mặt Ban soạn thảo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Quản lý ngoại thương.
Bộ trưởng cho biết, Dự thảo Luật quản lý ngoại thương đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội (110 ý kiến)…
Trước hết, theo Bộ trưởng, về tên gọi của luật, nhiều đại biểu còn băn khoăn và có ý kiến khác nhau cho rằng nên để “Luật Quản lý ngoại thương” hay “Luật Ngoại thương”. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhiều đại biểu cho rằng “Luật Quản lý ngoại thương” dễ bị hiểu mang tính chất quản lý nhà nước quyền kinh doanh, ngược với các điều khoản kinh tế, hội nhập, hay quản lý ngoại thương nội hàm chưa nêu được các yếu tố phát triển ngoại thương… Về việc này theo Bộ trưởng sẽ được tiếp tục tiếp thu, trao đổi. Tuy nhiên, quan điểm của Ban soạn thảo Chính phủ và Bộ Công Thương, đây là luật quan trọng điều chỉnh các hoạt động ngoại thương, không mở rộng các nội hàm khác. Theo đúng quan điểm Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế…
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, việc tập trung đầu mối là phù hợp và hướng đến môi trường ngày càng minh bạch, công khai. Mỗi việc cần có một cơ quan làm đầu mối. Những quy định trong luật tương thích, phù hợp với cam kết quốc tế, chịu sự kiểm tra, ràng buộc của khuôn khổ thương mại quốc tế…
Về nội dung một số đại biểu nêu cần áp dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động ngoại thương để tránh lạm quyền… Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thông tin và khẳng định với các đại biểu, Bộ Công Thương đang tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, đến năm 2017 những dịch vụ hành chính công của Bộ Công Thương sẽ lên mạng, tạo môi trường thuận lợi, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp…
Về ý kiến của một số đại biểu cho rằng không nên lập thêm các văn phòng xúc tiến thương mại mới ở nước ngoài, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích rõ, đất nước và nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Trong khi, 90% doanh nghiệp của nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất khó tiếp cận thị trường thế giới. Việc thành lập các văn phòng này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, phát triển thương hiệu… giải quyết những điểm yếu mà doanh nghiệp chúng ta gặp phải. Việc thành lập mới các văn phòng này khi trình Quốc hội là theo hướng xã hội hóa, tạo điều kiện cho hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cùng tham gia.