Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại: Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hạ tầng thương mại |
Nhằm tạo điều kiện về hành lang pháp lý phát triển hệ thống phân phối, trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về phát triển và quản lý chợ. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, đến nay, các Nghị định này bắt đầu bộc lộ những điểm không phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12070/VPCP ngày 11/11/2017 về việc giao Bộ Công Thương rà soát 2 Nghị định nêu trên, cùng với thực tiễn phát sinh của loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, cộng với kiến nghị của các địa phương, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại.
Ông Nguyễn Văn Hội – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - khẳng định: Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục tiêu tạo hành lang pháp lý, môi trường minh bạch, thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển đồng bộ đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, bao gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và hoạt động kinh doanh có liên quan. Dự thảo Nghị định không tạo thêm điều kiện kinh doanh, không làm phát sinh giấy phép con mà tạo hành lang pháp lý theo hướng xóa bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Dự thảo Nghị định bỏ một số quy định trong các văn bản trước đây như: UBND tỉnh là đơn vị phê duyệt nội quy chợ hạng 1 và UBND huyện phê duyệt nội quy chợ hạng 2, hạng 3; phương án bố trí sắp xếp ngành nghề kinh doanh trong chợ, siêu thị do UBND tỉnh và huyện phê duyệt… |
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại hiện nay. Đồng thời, đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của văn bản có liên quan như Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP; Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại… nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển và quản lý hạ tầng thương mại.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định thúc đẩy việc phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa; bảo đảm hàng hóa lưu thông tại các loại hình này có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; hỗ trợ việc tiếp cận thị trường và tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa...
Trước một số kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các chuyên gia kinh tế về những quy định cứng (diện tích siêu thị, giờ đóng mở cửa, số lần và tỷ lệ hàng hóa khuyến mãi)… sẽ gây khó khăn hay can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN, ông Nguyễn Văn Hội chia sẻ, Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kiến nghị của các địa phương và tham khảo từ một số nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, bổ sung và sửa đổi dự thảo sao cho tạo thuận lợi nhất cho DN.