Theo ông Lê Tuấn Đống, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe gồm 5 chương, 21 điều. Trong đó dự thảo quy định 3 nhóm tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe. Bao gồm: nhóm 1 (hạng A1); nhóm 2 (hạng B1) và nhóm 3 (hạng A2, A3, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE). Người khám sức khỏe lái xe phải trải qua 8 chuyên khoa: tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết và việc sử dụng thuốc, các chất hướng thần khác.
Theo đó, đối với nhóm chuyên khoa tâm thần, tiêu chuẩn quy định những người đang rối loạn tâm thần không đủ điều kiện lái xe hạng A1, đối với nhóm 2 thì phải chữa khỏi ít nhất sáu tháng, nhóm 3 phải chữa khỏi ít nhất 24 tháng. Đặc biệt, rối loạn tâm thần mãn tính không điều khiển được hành vi sẽ không đủ điều kiện lái xe.
Về cơ xương khớp, những trường hợp không được lái xe đối với nhóm 1 là cụt mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân không đáp ứng được chức năng kể cả có dụng cụ hỗ trợ và phương tiện đã được thay đổi thiết kế phù hợp mà không đáp ứng được chức năng. Đối với nhóm 2, cụt mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân không đáp ứng được chức năng kể cả có dụng cụ hỗ trợ. Cụt hoặc mất chức năng cả ba ngón I, II, III của một bàn tay kể cả có dụng cụ hỗ trợ mà đáp ứng được chức năng sẽ không đủ điều kiện lái xe.
Đối với nhóm 3, các trường hợp không đủ điều kiện để lái xe gồm: Chiều dài tuyệt đối giữa hai chi trên hoặc hai chi dưới có chênh lệch từ 5cm trở lên sẽ không được lái xe; Cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân. Cụt hoặc mất chức năng ngón I. Cụt hoặc mất chức năng hai trong ba ngón tay thuộc các ngón II, III, IV, V của một bàn tay. Các bệnh lý cơ, xương, khớp gây yếu cơ. Đái tháo đường (tiểu đường) có hôn mê do đái tháo đường trong vòng một tháng sẽ không được lái xe.
Trong dự thảo lần này còn đưa vào nhóm thuốc và các chất hướng thần khác vào quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe. Quy định này bổ sung theo Luật Giao thông đường bộ mới bổ sung. Theo đó, với những người có sử dụng chất ma túy và chất có cồn thì không được lái xe. Đối với nhóm 3 ngoài quy định trên, những người sử dụng các thuốc điều trị duy trì làm ảnh hưởng khả năng thức tỉnh. Lạm dụng chất kích thần (dạng Amphetamine, Cocaine) chất gây ảo giác sẽ không được đủ điều kiện lái xe.
Bên cạnh đó, Dự thảo lần này cũng có những quy định mở hơn so với quy định hiện hành, đặc biệt dự thảo đã bãi bỏ quy định ngực lép không được lái xe. Thay vào đó là quy định: gù, vẹo hoặc quá ưỡn cột sống; cứng, dính cột sống bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng tới chức năng vận động sẽ không được lái xe hạng A2 trở lên và B2 trở lên.
Dự thảo lần này không chỉ quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe là người Việt Nam mà cả người nước ngoài đang học tập, làm việc, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Xuyên, việc xây dựng và ban hành tiêu chí sức khỏe của người lái xe là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động đến hầu hết thành phần dân cư trong xã hội nên Bộ đang triển khai từng bước, chu đáo, cẩn thận. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của nhân viên y tế thực hiện khám sức khỏe người lái xe; người lái xe; trách nhiệm của bệnh viện...
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, việc khám sức khỏe chưa đầy đủ, lẫn lộn với bán giấy khám sức khỏe giả là rất nhiều. Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm việc này. Đây là quyền lợi, người dân nên đòi hỏi thầy thuốc khám đúng chất lượng và quy trình chuyên môn. Bộ cũng chỉ đạo và yêu cầu kiểm tra sát sao việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
Dự thảo sẽ được đưa lấy ý kiến rộng rãi của người dân tới đây.