Đưa 1 triệu tấn gạo vào thị trường Băng-la-đét
Ký kết Bản ghi nhớ Việt Nam cung cấp 1 triệu tấn gạo các loại/năm cho thị trường Bănglađét.
- Ngày 18/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Quản lý Lương thực và Thiên tai Băng-la-đét, Muhammad Abdur Razzaque đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Băng-la-đét về thương mại gạo ngày 18/4. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đây là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập quan hệ mua bán gạo ổn định, giúp phát triển quan hệ đối tác chiến lược về cung cấp lương thực giữa Việt Nam và Băng-la-đét.
Băng-la-đét là thị trường lớn trong khu vực các nước Nam Á với dân số 165 triệu người. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Băng-la-đét đang phát triển theo chiều hướng tốt. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 288 triệu USD, tăng 250% so với năm 2009. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Băng-la-đét đạt 253,27 triệu USD, tăng 325,3% so với năm 2009, chủ yếu là các mặt hàng gạo, sắt thép, sợi, vải, máy móc... Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), từ năm 2010, Băng - la - đét quan tâm hơn đến gạo Việt Nam. Tháng 8/2010, qua kênh chính phủ hai nước, Việt Nam đã ký hợp đồng giao khoảng 550 nghìn tấn và 400 nghìn tấn qua các hợp đồng thương mại. Thị trường và người tiêu dùng Băng-la-đét hài lòng với chất lượng gạo của Việt Nam.
Băng-la-đét là nước sản xuất gạo lớn thứ tư trên thế giới với sản lượng hơn 30 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, dân số tăng nhanh, thiên tai thường xuyên gây mất mùa, cộng thêm việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế bớt phụ thuộc nông nghiệp dẫn đến sản lượng lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Năm 2009, Băng-la-đét nhập khẩu bổ sung khoảng 2-3 triệu tấn lương thực. Hiện, nhu cầu nhập khẩu gạo đồ và mới đây là gạo trắng có xu hướng ngày càng tăng trong những năm tới (nhằm tăng lượng dự trữ lên 3 triệu tấn vào năm 2020). Theo Bộ trưởng Muhammad, Băng-la-đét quan tâm lớn đến gạo Việt Nam để phần nào thay thế nguồn gạo đồ đang bị hạn chế nguồn cung và giá cao. Hơn nữa, Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh về giá cả và khoảng cách địa lý... so với các nhà xuất khẩu khác.
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nước cung cấp gạo hàng đầu thế giới. Ông Trương Thanh Phong cho biết, hiện, Băng - la đét là thị trường mới của gạo Việt Nam. Mở cửa thị trường này, không chỉ xuất được gạo trắng, mà còn xuất được gạo đồ - sản phẩm mới của Việt Nam. "Việt Nam cũng sẽ tăng cường mở rộng sản xuất gạo đồ để đảm bảo cung cấp cho nhu cầu lớn của thị trường Băng-la-đét", ông Phong nói.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong, Thái lan cũng rất quan tâm đến thị trường Băng-la-đét. Với loại gạo thơm chất lượng cao, Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Với gạo trắng, khoảng cách đang co hẹp trong những năm gần đây, nhất là vào thời điểm hiện nay, Việt Nam đang giành lợi thế. Còn với gạo đồ, Thái Lan rất ngại cạnh tranh với Việt Nam. Bản ghi nhớ mở ra quan hệ hợp tác lâu dài về xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Băng-la-đét, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm gạo của Việt Nam, đồng thời là tín hiệu vui cho bà con nông dân.
Hải Vân