Chương trình hàng Việt về nông thôn giai đoạn 1 (3/2009-9/2010)đã tổ chức được50 phiên chợ tại 19 tỉnh thành (4 tỉnh miền Bắc, 3 tỉnh miền Trung và 12 tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ) với gần 132 DN tham gia, trong đó có 60 DN đã cam kết đồng hành cùng chương trình trên cả 3 miền. Tổng doanh thu đạt trên 35 tỷ đồng,số lượt người đến tham quan và mua sắm đạt gần 750.000 lượt. Ngoài ra còn có 44 lớp huấn luyện kỹ năng bán hàng cho hơn 3.000 tiểu thương tại địa phương được thực hiện. Có 124.000 tập cẩm nang người bán lẻ đã được cung cấp và 104.000 tập cẩm nang tiêu dùng phát hành miễn phí cho người tiêu dùng… Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), với hành trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều DN đã thực sự trưởng thành trong việc phát triển thị trường nội địa với những mục tiêu cụ thể về doanh thu, thị phần, khách hàng bán buôn hoặc bán lẻ mới, về số lượng người tiêu dùng mới. Sau mỗi phiên chợ, doanh thu cao không phải mục tiêu hàng đầu, mà việc tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng nông thôn để hiểu được nhu cầu của bà con mới là điều quan trọng.
Tuy nhiên, để DN bám trụ ở thị trường nông thôn lâu dài, hiệu quả vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện có tới 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn nhưng mức tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 27% doanh số bán lẻ trên cả nước. Thống kê này cho thấy, thị trường trong nước còn rất nhiều tiềm năng nhưng để bám trụ lâu dài, phát triển mạnh thị trường nông thôn để hàng Việt đến tay người tiêu dùng Việt ở vùng nông thôn đang là bài toán khó cho bất cứ DN nào. Bởi việc xây dựng hệ thống phân phối rất khó khăn, tốn kém và không phải DN nào cũng làm được. Muốn có một mạng lưới tiêu thụ hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng đòi hỏi DN phải có chuyên môn để định vị đúng tiềm năng thị trường, biết nhu cầu khách hàng, từ đó mới xây dựng chiến lược sản xuất và tiếp cận với người mua. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết, các DN đa số đều có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường và khả năng bán hàng, nhưng để tiếp cận thị trường nông thôn thì không dễ dàng vì kinh phí trong khâu lưu thông rất tốn kém. Đơn cử một số DN thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn với hoạt động chuyên nghiệp, với bộ máy chuyên trách nhưng doanh số ở thị trường nông thôn của các DN này chỉ chiếm từ 10-25% tổng doanh số. Mức doanh số đó chưa cao cũng dễ hiểu bởi khả năng thanh toán của khu vực nông thôn không cao, thu nhập của nông dân còn thấp. Người tiêu dùng nông thôn có nhu cầu dùng hàng Việt rất lớn, tin dùng và ủng hộ hàng Việt, song với điều kiện hàng Việt phải có mức giá chấp nhận được, dễ mua, hợp lý với mức thu nhập ở nông thôn. Vì thế, bên cạnh chất lượng sản phẩm tốt, hệ thống phân phối, tiếp thị, hậu mãi hoàn hảo, thì bài toán giá cũng phải được tính toán thật chi li để sản phẩm trụ vững được tại thị trường nông thôn.
Ngoài ra, DN cũng phải huy động tối đa mọi nguồn lực cũng như cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, vốn… Đồng thời, xác định hướng xây dựng mạng lưới liên kết các dự án gắn với các chương trình vĩ mô về phát triển thị trường; sự phối hợp giữa các DN, ban ngành trong cuộc vận động hữu hiệu để người tiêu dùng nông thôn luôn sẵn lòng tiêu dùng hàng Việt; xây dựng hạ tầng phân phối, chuỗi bán hàng Việt ở vùng nông thôn... Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, Giám đốc Dự án hàng Việt về nông thôn của BSA cho biết, trong thời gian tới, những chuyến hàng Việt về nông thôn sẽ còn có thêm nhiệm vụ khảo sát, xây dựng những điểm chuyên bán hàng Việt ở nông thôn. Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh địa phương mà có sự linh động trong tổ chức, không chỉ trưng bày, quảng bá hàng Việt, tại một số địa phương ban tổ chức sẽ phối hợp với hội phụ nữ, hợp tác xã tiêu thụ hàng Việt để có những điểm tựa đầu tiên cho DN. Dần dần, nếu có nhu cầu thực tế thì hình thành mạng lưới cửa hàng bán hàng Việt tại nông thôn. Đó cũng là những điều DN đang cần để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt ở thị trường nội địa./.
Nguồn VEN