Đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành điểm đến đầu tư hấp dẫn
Làng phần mềm đầu tiên tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc |
Năm 2016 đánh dấu bước chuyển mình của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khi chuyển sang giai đoạn tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, hướng tới mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, trở thành một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới.
Theo báo cáo của Ban Quản lý, năm 2016, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, cung cấp dịch vụ... với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.330 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD) trên tổng diện tích 15,23ha, nâng tổng số dự án tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc lên 78 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 60.019 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) trên tổng diện tích 348ha.
Trong đó, có 36 dự án đang hoạt động với trên 10.000 người đang làm việc và học tập trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng. Các dự án của các doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài và các Tập đoàn lớn trong nước (như VNPT, Viettel....) đã đi vào hoạt động và đã có những đóng góp đáng kể vào phát triển nền kinh tế đất nước.
Đây là những kết quả ban đầu đáng khích lệ để xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên cơ sở 4 nền tảng của khu vực phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Với những tiền đề đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được kỳ vọng sẽ là một yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc gia dựa trên đổi mới và sáng tạo, là tiền đề quan trọng để Việt Nam bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng công nghiệp của trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ tự động thế hệ mới (xe tự lái, tự động hóa mức độ cao…), năng lượng mới, công nghệ ảo và Internet vạn vật (IoT).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh yêu cầu Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, chuyên nghiệp hóa đội ngũ, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc… để Hòa Lạc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư công nghệ cao trong nước và nước ngoài.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ đẩy nhanh việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Đại sứ quán, cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xúc tiến thương mại của các nước, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… hỗ trợ tuyên truyền quảng bá về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao…
Bộ trưởng tin tưởng với điều kiện và triển vọng phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là một yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam dựa trên đổi mới và sáng tạo, là tiền đề quan trọng để Việt Nam bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã tổ chức ký kết hợp tác với các đơn vị, tổ chức gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Bảo hiểm Dầu khí, Công ty cổ phần tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Các thỏa thuận hợp tác đều tập trung vào việc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cung cấp dịch hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển thành phố thông minh cũng như tiềm lực khoa học và công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.