Dừa cháy hàng do hạn mặn năm 2016 |
Thời gian gần đây, tại thị trường TP.HCM, giá dừa tươi bán lẻ đến tay người tiêu dùng liên tục tăng mạnh và hiện có mức giá khá cao, dao động từ 17.000 – 20.000 đồng/trái. Dừa tươi bán tại các quán cà phê có giá cao hơn, dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/trái.
Theo một chủ vựa dừa trên đường Phạm Hùng (quận 8), mức giá này không có lãi cao do thương lái bỏ mối cho vựa đã lên đến 14.000 – 15.000 đồng/trái. Nếu lấy sỉ, giá bán dao động từ 16.000 – 17.000 đồng/trái. Chủ vựa này cho biết dù đã kinh doanh dừa hơn chục năm nhưng chưa năm nào giá dừa tươi lại tăng cao, khan hàng như năm nay.
“Chưa năm nào tôi thấy giá dừa tươi tăng cao như vậy. Tầm thời điểm này năm ngoái, một trái dừa chỉ khoảng 10.000 – 12.000 đồng/trái, dừa xiêm nhỏ hơn thì một trái chỉ có 6.000 - 8.000 đồng. Vậy mà năm nay tăng giá gấp đôi. Dừa trái loại lớn này tôi bán 20.000 đồng/trái nhưng vẫn đắt như tôm tươi. Nắng nóng, dừa từng nào cũng hết nhưng không đủ hàng để bán”, chủ vựa này chia sẻ.
Tại Bến Tre, từ đầu tháng 4/2017 đến nay, giá dừa xiêm xanh tươi tại tỉnh này cũng liên tục tăng cao. Hiện tại, dừa xiêm xanh được thương lái thu mua với giá từ 140.000 - 160.000 đồng/chục (12 trái). Đây là mức giá cao nhất của loại dừa này từ trước đến nay. Tuy giá tăng cao nhưng nhiều nhà vườn không có dừa để bán do ảnh hưởng thời tiết, sâu hại khiến cho năng suất giảm.
Giá dừa xiêm xanh tăng cao cũng khiến cho giá dừa lai tươi, dừa ta cũng tăng từ 80.000-100.000 đồng/chục (12 trái). Nhiều nhà vườn trồng dừa ta (làm nguyên liệu ép dầu) cũng đã chuyển sang bán dừa tươi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, diện tích trồng dừa của tỉnh hơn 70.000ha, trong đó dừa tươi (xiêm xanh, dừa lai) chiếm hơn 20% diện tích. Toàn tỉnh hiện có khoảng 70.000ha vườn dừa, năng suất bình quân hơn 600 triệu trái/năm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn mặn mùa khô năm 2016 nên năng suất bị giảm hơn 60-70%. Sản lượng dừa tại Bến Tre giảm mạnh khiến nhà vườn không đủ hàng cung ứng. Thế nên nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh vỏ và chỉ xơ dừa phải sang Trà Vinh, Vĩnh Long... thu mua để duy trì sản xuất theo hợp đồng và giữ công nhân. Một số nhà máy chế biến dừa phải nhập khẩu bổ sung dừa trái nguyên liệu từ Indonesia.
Dừa tươi tăng giá cao khiến nhiều nông dân bỏ dừa khô sang kinh doanh dừa tươi. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, hiện nay do sản lượng dừa tươi sụt giảm, giá tăng cao nên nhiều hộ dân đang trồng giống dừa khô làm nguyên liệu chế biến chuyển sang bán dừa tươi.
Việc này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại nguồn cung dừa khô cung cấp cho các cơ sở chế biến bị ảnh hưởng. Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân nên xem xét đánh giá thị trường rồi mới chuyển đổi cho phù hợp.
Bởi lẽ, sau khi bán dừa tươi, nếu muốn để lại làm dừa khô nguyên liệu sẽ mất thời gian rất dài, khi đó vườn dừa sẽ không được thu hoạch, ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của người dân.
Hiện tại, việc trồng xen trong vườn dừa khô nguyên liệu đang ngày càng phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích trồng dừa. Vì vậy, đơn vị này khuyên người dân cần lựa chọn phương thức phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Đáng chú ý, không riêng gì dừa tươi, giá dừa khô cũng đang tăng mạnh. Tại Tiền Giang, dừa khô được thương lái đến tận vườn thu mua giá khoảng 7.000 đồng/trái, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, toàn tỉnh Tiền Giang có trên 16.000ha dừa, tập trung ở các huyện tiếp giáp với biển Đông như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Đây là những địa bàn khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt. Mùa khô năm nay, dừa khô tăng giá mạnh giúp nông dân tại đây có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.