Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tại một hội thảo giới thiệu về cơ hội hợp tác kinh tế ở Việt Nam.
Đối với Na Uy ngày nay, Việt Nam là đất nước trên đà phát triển nhanh chóng, với những thành tựu phát triển rất ấn tượng. Trong bối cảnh tình hình mới, bản thân tôi và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy xác định, quan hệ hai nước là mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, trong đó lợi ích kinh tế được đặt lên hàng đầu.
Chúng tôi nhận thức rằng, quan hệ chính trị giúp giữ đà và tạo ra các đột phá, nhưng để quan hệ phát triển lâu bền thì phải dựa trên nền tảng kinh tế vững; để tăng cường quan hệ kinh tế, thì cần nâng cao hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân Na Uy - Việt Nam. Việt Nam không chỉ là thị trường lớn với trên 90 triệu người tiêu dùng, mà còn là cửa ngõ quan trọng đi vào thị trường cả Đông Nam Á, trong bối cảnh cộng đồng ASEAN đang hình thành vào năm 2015. Trên cơ sở nguồn lực có hạn, để đạt hiệu quả tối ưu về quảng bá hình ảnh Việt Nam, tạo sự nhận diện quốc gia, chúng tôi cho rằng, hình ảnh Việt Nam phải được quảng bá không chỉ trong chính giới, các cơ quan của chính phủ, doanh nghiệp mà cả đối với công chúng Na Uy ở thủ đô và ở các địa phương, đối với cả thanh, thiếu nhi; đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua bà con Cộng đồng ở Na Uy. Để đạt mục tiêu đó, trong thời gian qua, tôi và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Na Uy tập trung vào các công việc chính sau đây:
Thứ nhất, qua tiếp xúc, trao đổi của Đại sứ, đại diện Đại sứ quán và các đoàn công tác đều chú trọng lồng ghép nội dung quảng bá hình ảnh đất nước, môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch, giao lưu văn hóa…; đối với các đoàn trao đổi, dù là của ta hay của bạn, ngoài chương trình trao đổi chính, chúng tôi đều cố gắng bố trí chương trình gặp gỡ thêm các cơ quan, tổ chức của phía ta và phía bạn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng các cuộc làm việc của doanh nghiệp Việt Nam, hội thảo kinh doanh của Việt Nam tại Na Uy là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh Việt Nam, cũng như vận động các đối tác Na Uy. Các cuộc gặp nhắm đến nhiều đối tác khác nhau; quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp hay địa phương phải đồng thời kết hợp quảng bá hình ảnh ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam và hình ảnh Việt Nam nói chung; chú ý bố trí để đoàn công tác không chỉ đến làm việc tại Thủ đô Oslo, mà tranh thủ đến thăm làm việc ở địa phương ngoài Thủ đô Oslo.
Đại sứ, đại diện Đại sứ quán cũng thường xuyên đi công tác địa phương, gặp gỡ và trao đổi với đại diện chính quyền, doanh nghiệp, nói chuyện tại các trường học, đại học, viện nghiên cứu, cộng đồng… về các chủ đề, từ môi trường kinh doanh tại Việt Nam, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, các ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài, các lợi ích khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, hệ thống giáo dục ở Việt Nam, giao lưu sinh viên Việt Nam - Na Uy. Sau khi đã tiếp xúc, gặp gỡ với phía bạn, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc đều đặn, luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi, giải đáp các thắc mắc của bạn.
Để có cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam, Đại sứ quán tích cực tham gia các hoạt động lễ hội văn hóa của bạn. Do nhân lực có hạn, chúng tôi huy động không chỉ cán bộ, mà cả các phu nhân, phu quân của cán bộ Đại sứ quán, và đại diện bà con Cộng đồng cùng tham gia.
Thêm vào đó, chúng tôi đã vận động báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng sở tại để họ đem hình ảnh của Việt Nam đến với công chúng Na Uy. Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng hình ảnh của ASEAN thông qua việc cùng các Đại sứ quán của một số nước ASEAN tại Na Uy tổ chức hoạt động quảng bá chung cho ASEAN, để giúp các bạn Na Uy nhìn thấy sự đa dạng của văn hóa ASEAN. Tôi cho rằng, khi hình ảnh chung của ASEAN tại Na Uy được nâng lên, thì hình ảnh của từng nước thành viên cũng được nhiều người Na Uy biết đến.