Đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa: Gỡ nút thắt cuối đường dây
- Tuy nhiên, đến nay, đường dây này lại đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ khi chỉ còn 700m cuối cùng đi qua xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang không thể kéo dây được.
Đường dây 500 kV Sơn La -Hiệp Hòa dài 269,1 km với 551 vị trí cột, đi qua 19 huyện thị của 5 tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Bắc Giang. Theo Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (Ban AMB), đến nay hầu hết các huyện bàn giao xong mặt bằng và hành lang tuyến. Các đơn vị thi công đang tập trung mọi phương tiện, vật tư nhân lực để kéo dây về đích đúng hẹn. Bất ngờ, công trình đang bị ách lại khi ccác hộ dân cương quyết không cho kéo 700m dây cuối cùng đi qua xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ban AMB đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi làm việc với các hộ dân nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa xã Hợp Thịnh khi lãnh đạo huyện Hiệp Hòa đang họp với các hộ dân bàn cách giải quyết. Anh Ngô Văn Nhân cho biết, gia đình anh có 270 m2 đang bị kẹp giữa 2 đường dây 500 kV và 220 kV. Gia đình anh sẵn sàng ủng hộ việc xây dựng đường dây nhưng anh và các hộ dân ở đây không thể yên tâm khi ở dưới mấy làn đường dây cao thế. Vì vậy, nguyện vọng của các hộ dân là được di dời đến nơi ở mới.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, theo quy định của Nghị định 81/2009/NĐ-CP thì những hộ dân nằm kẹp giữa 2 đường dây 500 kV trong khoảng cách 60 m trở xuống sẽ thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên, Nghị định lại không tính đến trường hợp bị kẹp giữa đường dây 500 kV và 220 kV. Vì vậy, mặc dù nhà ở nằm ngay dưới đường dây 220 kV, công trình phụ nằm dưới đường dây 500 kV nhưng gia đình anh Nhân vẫn không thuộc diện di dời.
Theo ông Chính, xét về khách quan thì việc bà con phải sống dưới nhiều đường dây cao thế đề nghị tái định cư vẫn là hợp lý. Vì vậy, huyện, xã đang đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép bố trí đất tái định cư theo nguyện vọng của người dân. Vấn đề là, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là phải hoàn thành xây dựng đường dây theo yêu cầu của Chính phủ, trong khi việc đền bù di dân sẽ phải làm từng bước theo đúng trình tự nên không thể xong ngay được. Để khắc phục, chủ đầu tư và chính quyền địa phương sẽ có văn bản cam kết đền bù tái định cư. Còn việc thi công đường dây vẫn phải đảm bảo tiến độ để kịp vận hành trong tháng 4/2012. Song song với việc đền bù, lãnh đạo địa phương đang vận động bà con ủng hộ cho đơn vị thi công kéo dây kịp tiến độ. Ông Chính khẳng định: nếu cần sẽ phải lên phương án bảo vệ thi công bởi không thể lùi tiến độ đường dây được nữa.
Ngọc Loan