Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 90 tấn thực phẩm đông lạnh hết hạn sử dụng 2 năm Quản lý thị trường Hà Nội: phát hiện 1 tấn ức vịt đông lạnh không rõ nguồn gốc |
Trong loạt bài viết “Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn: Vạch trần loạt chiêu trò của các đầu buôn” và “Nhận diện đường dây bán khống giấy kiểm định an toàn thực phẩm” lần lượt được đăng trên số báo 03 ra ngày 4.1 và số 04 ra ngày 05.01, phóng viên Báo Lao Động, trong vai những chủ buôn mới mở một kho đông lạnh và đang tìm nguồn thực phẩm phục vụ thị trường Tết, đã tiếp cận được một số đầu mối chuyên cung cấp thực phẩm đông lạnh tại Hà Nội. Từ đây, hàng loạt các chiêu trò “hô biến” và hợp thức hóa các thực phẩm không rõ nguồn gốc, mua giấy kiểm định chất lượng để việc kinh doanh thuận lợi, qua mặt cơ quan chức năng đã được người bán hé lộ một cách tỉ mỉ.
Liên quan đến nội dung này, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội để làm rõ những bất cập đang tồn tại của thị trường cung ứng thực phẩm đông lạnh - một loại sản phẩm đang được người dân ưa chuộng trong những năm qua và đặc biệt là trong giai đoạn Tết Nguyên đán cận kề.
Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội. Ảnh: P.V |
Ông đánh giá thế nào về tình hình buôn bán thực phẩm bẩn ở Hà Nội trong thời gian qua? Tuyến bài của Báo Lao Động đã phản ánh những cách luồn lách và đường đi của thực phẩm bẩn, vậy các phương thức thường xuyên được các đối tượng sử dụng ở đây là gì?
Đối với lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi phát hiện rất nhiều vụ. Cụ thể, năm 2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra tới 189 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 1,6 tỉ đồng và giá trị hàng hóa tịch thu lên tới con số tương đương. Riêng đối với tháng cao điểm giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi cũng đã kiểm tra 19 vụ và phạt tới 111 triệu đồng, giá trị hoàng hóa là gần 100 triệu đồng.
Phương thức thủ đoạn của các đối tượng cũng rất tinh vi, bởi qua kiểm tra có những trường hợp thực phẩm đã hết date (ngày-hạn sử dụng) nhưng chủ cơ sở lại không tiêu hủy. Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng có hiện tượng sản phẩm được “tẩy date” để hợp thức hóa thực phẩm.
Hay ví dụ có 100 sản phẩm thì chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chứng minh được giấy tờ nguồn ngốc của 80 sản phẩm. Như vậy, họ có thể sử dụng các hồ sơ đó để trà trộn các hàng hóa kém chất lượng vào tiêu thụ. Hiện nay các vụ việc có dấu hiệu vi phạm theo dạng này đều được chúng tôi bàn giao cho các đơn vị liên quan làm rõ, nếu có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển hình sự.
Trong loạt bài “Đường đi của thực phẩm bẩn”, hầu hết các chủ buôn đều thừa nhận họ lưu trữ thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc tại khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Vậy địa chỉ này có phải là điểm nóng của thực phẩm bẩn hay không? Vì sao địa điểm này lại được các đầu buôn thực phẩm đông lạnh kém chất lượng ưu tiên lựa chọn làm tổng kho lưu trữ thực phẩm?
Các kho tại khu công nghiệp Quang Minh đại đa số đều là kho chứa thực phẩm đông lạnh. Trong những năm qua, khi Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý thì phần lớn các đối tượng đều thừa nhận nhập hàng từ địa chỉ này.
Trong quá trình xác minh chúng tôi đánh giá, kho Quang Minh là địa chỉ của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành sử dụng làm nơi lưu trữ hàng hóa, sau đó trung chuyển đi các tỉnh và trong đó có Hà Nội. Trước thực trạng đơn vị ghi nhận và qua phản ánh của Báo Lao Động, chúng tôi sẽ chỉ đạo Đội Quản lý Thị trường số 10 quản lý địa bàn huyện Sóc Sơn, Mê Linh (Hà Nội) tăng cường hơn nữa vai trò quản lý trong công tác kiểm tra giám sát. Đồng thời quy trách nhiệm cho công chức trên địa bàn để quản lý hiệu quả các vấn đề đang tồn tại ở kho Quang Minh.
Vậy có hay không tình trạng các đơn vị kinh doanh chỉ nhập một phần hàng hóa có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sau đó trà trộn thực phẩm bẩn vào để bán ra thị trường? Ông đánh giá thế nào về hiện tượng thực phẩm bẩn nhưng đội lốt trong những công ty sạch?
- Thực tế việc các đơn vị kinh doanh thực phẩm là doanh nghiệp, công ty sử dụng chiêu trò chỉ nhập một lượng nhỏ hàng hoá có hóa đơn chứng từ rồi trà trộn thực phẩm bẩn sau đó bán ra thị trường là có tồn tại nhưng không phải tình trạng phổ biến. Có những đối tượng rất manh động và tiểu xảo khi thực hiện hành vi này và chúng tôi vẫn đang phối hợp cùng lực lượng công an, hải quan… để đấu tranh, làm rõ xử lý đúng quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của Báo Lao Động, các chủ buôn thực phẩm đông lạnh và một số đơn vị tự xưng là công ty tư vấn luật bày cách để phóng viên mua các loại giấy kiểm định chất lượng như giấy VSATTP, HACCP hoặc ISO để việc kinh doanh thuận lợi, qua mặt cơ quan chức năng. Vậy trong quá trình kiểm tra, xử lý Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã từng phát hiện ra các trường hợp vi phạm theo dạng này hay chưa?
Trước đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội mà cụ thể chính tôi cũng tham gia phối hợp với các lực lượng liên quan để tiêu hủy một lô sản phẩm giấy vệ sinh khá lớn làm giả giấy tờ và giả danh một đơn vị sản xuất đã được bảo hộ. Hiện tại cũng có một trường hợp có dấu hiệu làm giả giấy tờ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng đang được đơn vị giao cho Đội Quản lý Thị trường số 20 quản lý địa bàn huyện Đan Phượng tiến hành xác minh. Nếu trường hợp này có dấu hiệu hình sự chúng tôi sẽ chuyển hồ sang sang công an.
Vấn đề này cũng liên quan đến công tác hậu kiểm của đơn vị cấp giấy. Khi một cá nhân, tổ chức đứng ra xin cấp những giấy tờ đó thì họ cần phải đảm bảo các tiêu chí theo quy định cấp. Sau khi được cấp, các bộ phận như thanh tra, giám sát của đơn vị cấp có trách nhiệm kiểm tra định kỳ giám sát các hoạt động và quá trình thực hiện của bên xin cấp giấy. Do Cục Quản lý Thị trường Hà Nội không có chức năng này nên nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì chỉ có thể chuyển hồ sơ cho các bên liên quan xác minh.
Trong bối cảnh thực phẩm đông lạnh tại Thủ đô còn nhiều vấn đề tồn tại như hiện nay, ngoài trách nhiệm của đơn vị mình thì người dân cần làm gì để lựa chọn được thực phẩm an toàn? Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đã cận kề thưa ông?
Hiện nay, ngoài việc người dân có thể mua hàng hóa, thực phẩm trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố thì việc mua hàng qua các kênh bán online và trên mạng xã hội cũng là cách thức được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên việc này cũng tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro bởi việc mua bán trên các kênh bán hàng không chính thức, không có hóa đơn chứng từ và không được kiểm định cũng dễ dàng bị các đối tượng lợi dụng để tiêu thụ sản phẩm không đảm bảo.Vì vậy, ngoài nỗ lực của các đơn vị quản lý thì mỗi người dân cần phải là một người mua hàng thông thái và sẵn sàng tố cáo đến cơ quan chức năng những cơ sở không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Từ đó mới bài trừ, loại bỏ được thực phẩm bẩn.