Đường lậu trở lại biên giới An Giang
Hải quan An Giang phối hợp tuần tra khu vực kênh Vĩnh Tế - An Giang.
Do giá lên, nhiều đối tượng đã liều lĩnh xé lẻ đường để vận chuyển lậu. Nếu như thời gian trước, đường dây buôn lậu của Tỷ đường vận chuyển bằng xe tải, hoạt động rầm rộ thì hiện nay, các đối tượng đã xẻ các bao đường Thái Lan từ bên kia biên giới, chia nhỏ thành các bao trắng, bao mang nhãn hiệu gạo để vận chuyển lậu qua biên giới bằng xe gắn máy.
Cục Hải quan An Giang cho biết, hiện nay đường lậu được các đối tượng vận chuyển từ Gò Tà Mâu về TP.Châu Đốc, An Giang theo đường mòn biên giới. Song song đó là các tuyến rạch dẫn ra kinh Vĩnh Tế họ tận dụng xuồng máy với tốc độ nhanh, chở khoảng 5 bao đường để đến điểm tập kết và nhanh chóng vận chuyển sâu vào nội địa. Các cửu vạn thường đi thành từng nhóm từ 3-5 xe để hỗ trợ lẫn nhau khi bị phát hiện. Thời gian qua, các cánh đồng biên giới đang mùa thu hoạch lúa nên đây cũng là dịp để các đối tượng vận chuyển đường trà trộn, đưa qua biên giới trái phép. Việc vận chuyển bằng xe gắn máy tốc độ cao tương tự như các cửu vạn vận chuyển thuốc lá lậu đã khiến công tác kiểm soát, bắt giữ càng khó khăn. Ngoài việc chạy tốc độ nhanh, các cửu vạn sẵn sàng quăng những bao đường xuống đường khi bị truy đuổi để gây tai nạn cho lực lượng chức năng. Đây là một điều cực kỳ nguy hiểm đối với lực lượng Hải quan khi tiến hành truy đuổi - một cán bộ Hải quan thuộc Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan An Giang cho biết.
Từ sau tết Nguyên đán, Cục Hải quan An Giang đã liên tiếp chỉ đạo Đội Kiểm soát Hải quan, các chi cục Hải quan cửa khẩu triển khai các biện pháp nghiệp vụ để tuần tra kiểm soát chống buôn lậu qua biên giới, không được chủ quan lơ là, nhất là mặt hàng đường Thái Lan sau khi đường dây buôn lậu đường quy mô lớn bị triệt phá. Trong tháng 3-2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan An Giang bắt giữ trên 2 tấn đường nhập lậu. Các đối tượng vận chuyển đều đã bỏ của chạy lấy người. Theo thống kê của Ban 389 tỉnh An Giang, trong quý I-2015, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang cũng đã bắt giữ trên 93 tấn đường nhập lậu.
Theo nguồn tin riêng của Báo Hải quan thì hiện nay một đối tượng buôn lậu đường đang nổi lên là Mười T., tên thật là N.T.K.H. Thời gian trước, khi Tỷ đường hoạt động mạnh thì Mười T. hoạt động khá lặng lẽ, nhiều chuyến hàng của đối tượng này phải dạt sang các cửa khẩu xa hơn hoặc sang biên giới các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Kiên Giang. Trong năm 2014, lực lượng chống buôn lậu của Cục Hải quan An Giang, Cục Hải quan Đồng Tháp đã bắt giữ một số vụ có liên quan đến đối tượng này. Trong các vụ bị phát hiện, Mười T. đã nhanh chóng hợp thức hoá chứng từ, hàng hoá vận chuyển là bao bì trắng hoặc bằng bao bì đường nội địa nên rất khó xử lý hình sự. Các vụ việc đều xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Còn tại nội địa, do đường Thái Lan khan hiếm nên các đối tượng cũng đã tăng cường tàng trữ hàng theo từng bao giấy, mỗi bao 12kg. Với kiểu “thay áo ” này lực lượng chức năng sẽ rất khó xử lý. Việc hợp thức hoá các chứng từ tại các chợ trong nội địa là điều không khó đối với các đối tượng khi đường lậu đã qua biên giới an toàn.
Tại sao đường dây buôn lậu đường quy mô lớn, hoạt động thời gian dài bị bóc gỡ, bị khởi tố vụ án với hàng loạt đối tượng có liên quan bị tạm giam nhưng buôn lậu đường vẫn tiếp diễn? Nguyên nhân rõ ràng nhất chính là sự chênh lệch về giá đã khiến các đối tượng buôn lậu có tư tưởng “còn lời là còn đi… buôn lậu”. Vì sao đường Thái Lan qua trung chuyển đến Campuchia rồi được vận chuyển trái phép về Việt Nam mà giá vẫn còn chênh lệch so với đường nội địa? Câu hỏi này xin dành cho các công ty mía đường và các nhà hoạch định chính sách. Riêng về chất lượng đường, theo quan sát bằng mắt thường của người dân thì đường Thái Lan mịn hơn, trắng hơn so với đường nội địa. Người tiêu dùng sẽ không biết đường lậu hay đường nội địa, nhưng họ sẽ vẫn chọn đường giá rẻ hơn, bắt mắt hơn. Kinh nghiệm từ công tác chống buôn lậu các mặt hàng trước kia như bia, xe gắn máy, hàng điện tử… cho thấy khi sản phẩm trong nước chất lượng, giá cả chấp nhận được thì hoạt động buôn lậu các mặt hàng này tự động sẽ ngưng. Đối với buôn lậu đường, hoạt động này có bị triệt tiêu khi đường trong nước giá rẻ, chất lượng cao?