Thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường phát triển
Sau gần 5 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 192/QĐ-TTg (ngày 13/2/2017) phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” với mục tiêu phát triển công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng thế giới… Tuy nhiên, đến nay, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam vẫn còn rất sơ khai, cần có những công cụ phù hợp để điều chỉnh và EPR là một công cụ như vậy.
Dây chuyền sản xuất phân vi sinh từ chất thải rắn của FOCOCEV Quảng Nam |
Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng - chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật của E-Policy - A Boutique Consulting Firm, EPR yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, sẽ góp phần giảm chi phí quản lý sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm thải bỏ và tăng tái chế. Như vậy, khi EPR vận hành, sẽ có dòng tiền đẩy vào thu gom, tái chế, mang lại ý nghĩa rất lớn đối với loại chất thải không có giá trị trên thị trường. Đây được xem là tấm lưới an toàn bảo vệ nền công nghiệp môi trường, kể cả khi khủng hoảng xảy ra. Nó gần như sự bảo đảm an toàn để các nhà đầu tư đầu tư vào ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, không tiêu tốn ngân sách công. Việc xác định được tập khách hàng và dung lượng thị trường ổn định giống như “hợp đồng dài hạn”, giúp nhà đầu tư yên tâm để đầu tư và định hướng hoạt động lâu dài. “Điều này là nền tảng cho một ngành công nghiệp môi trường phát triển” - bà Phượng chia sẻ.
Trong khi đó, người thu gom hoàn toàn được hưởng lợi từ EPR do bán rác cho nhà tái chế. Có EPR, sẽ thêm dòng tiền từ nhà sản xuất để tái chế; để tái chế, có thu gom - các bên đều được hưởng lợi, tạo việc làm cho xã hội. Tại Đài Loan, nhiều tổ chức từ thiện đứng ra thu gom để gây quỹ cho hoạt động của mình, nghĩa là, EPR sẽ khuyến khích nhiều đối tượng tham gia do lợi ích mang lại.
Các làng nghề tái chế đang gây ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải không đạt tiêu chuẩn. Do vậy, khi EPR hình thành, rác tái chế sẽ được đưa về các cơ sở tái chế đủ điều kiện. Đây có thể coi “bàn tay của thị trường” để điều chỉnh vấn đề ô nhiễm của các cơ sở tái chế không đủ điều kiện sang đủ điều kiện, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Lợi ích của các bên
Rõ ràng, việc thực hiện quy định thu hồi sản phẩm thải bỏ mặc dù đã có trong Điều 67 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nhưng gần như không hiệu quả. Quyết định 16/2015/QĐ-TTg Quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ là một điểm nghẽn do không đặt ra tỷ lệ bắt buộc, dẫn đến doanh nghiệp không có động lực để thưc hiện... Do vậy, dự thảo Nghị định lần này được tiếp cận theo hướng đưa ra các tiêu chuẩn, quy cách, tỷ lệ thu hồi, xử lý…, còn cách làm như thế nào, do doanh nghiệp quyết định. Điều này đã tạo động lực cho doanh nghiệp lựa chọn cách nào mang lại lợi ích tối ưu.
EPR sẽ tạo ra cơ hội mới cho các lĩnh vực con trong ngành công nghiệp môi trường như: Thiết kế công nghiệp giúp các sản phẩm thân thiện môi trường; sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng các loại vật liệu, giải pháp mới thân thiện môi trường hơn; phát triển công nghệ giúp thu gom, vận chuyển, xử lý… Cùng với đó, các nhóm dịch vụ để vận hành EPR cũng được hình thành như: Nhóm tư vấn công nghiệp để hỗ trợ vận hành, kiểm toán môi trường; nhóm truyền thông xanh, xây dựng thương hiệu, bao gồm cả báo chí… |
Trước hết là lợi ích về kinh tế, các doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ chế chuỗi giá trị của sản phẩm, bao bì thuộc diện phải thu hồi, tái chế, sẽ cố gắng cải thiện kinh doanh, thu hút đầu tư để phát triển hơn nữa lĩnh vực tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo ra việc làm và việc làm chất lượng cao trên bình diện thu nhập, trình độ và điều kiện làm việc. Bên cạnh đó, EPR cũng đẩy mạnh sự công nhận của xã hội đối với những người làm việc trong lĩnh vực tái chế và xử lý rác thải…
Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng, EPR cũng mang lại lợi ích về xã hội bởi góp phần cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách phân loại, xử lý chất thải tại nhà, mang lại cho các gia đình môi trường có lợi cho sức khỏe. Các đội ngũ thu gom, tái chế phi chính thức nâng cao năng lực sản xuất, bảo vệ môi trường. Còn những bên cung cấp nguyên liệu, thiết kế và sản xuất bao bì, kinh doanh hàng tiêu dùng, bán lẻ và xử lý chất thải tăng cường tương tác, góp phần giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp khi tạo ra các công việc mới.
Kỳ III: Cơ hội và thách thức