Theo tin từ Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công Thương, Ủy ban Châu Âu vừa ra quyết định cuối cùng kết thúc vụ kiện điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm sợi PSF nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.
Vụ việc khởi nguồn từ ngày 19/12/2013, Hiệp hội Sợi nhân tạo châu Âu CIFRS đã nộp đơn yêu cầu Ủy ban châu Âu điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm sợi polyester tổng hợp (PSF) chưa chải thô, kéo sợi hay chế biến để đánh sợi có mã CN 5503 20 00 nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Theo đó, các chương trình, chính sách của Việt Nam bị điều tra gồm có: Các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp và bảo lãnh vay; chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu công nghệ cao; các chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp; các ưu đãi về thuế; ưu đãi về quyền sử dụng đất và các ưu đãi khác như: cung cấp nguyên vật liệu thô cho các doanh nghiệp PSF thấp hơn giá trị thông thường; khấu hao nhanh…
Ngay sau khi có thông tin vụ việc, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan địa phương nghiên cứu trả lời Bản câu hỏi điều tra do Ủy ban châu Âu gửi.
Đây chính là căn cứ để Ủy ban châu Âu tiến hành thẩm tra các cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam.
Sau gần một năm điều tra, thu thập thông tin, thẩm tra tại chỗ với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam, Ủy ban châu Âu đã ra kết luận cuối cùng chấm dứt vụ việc.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, sau khi tính toán, Ủy ban này xác định biên độ trợ cấp của Việt Nam và Trung Quốc đều thấp hơn 2%. Cụ thể, biên độ của Việt Nam chỉ có 1,25%.
Theo quy định của WTO và Ủy ban châu Âu, trong một vụ việc điều tra chống trợ cấp áp dụng với sản phẩm có xuất xứ từ một nước đang phát triển, nếu biên độ trợ cấp không vượt quá 2% thì phải chấp dứt vụ việc.
Hiện tại, sản phẩm này khi xuất khẩu vào EU đang chịu mức thuế 4%. Bởi vậy, việc chấm dứt điều tra là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Kết quả này đã phản ánh nỗ lực, sự hợp tác đầy đủ và thiện chí của các cơ quan Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong gần 1 năm tham gia kháng kiện.