EVN: Thích ứng an toàn, đảm bảo cung cấp điện
Nhiều thành tích đáng ghi nhận
Báo cáo của EVN tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 mới đây cho thấy, năm 2021, hệ thống điện quốc gia đã trải qua một năm vận hành đầy biến động như: Nhu cầu điện tại nhiều khu vực giảm thấp; thủy văn diễn biến bất thường, khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống… Tuy nhiên, tập đoàn đã thực hiện các giải pháp linh hoạt, đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn liên tục cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân với sản lượng điện thương phẩmđạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020.
Năm 2021, EVN đã thực hiện các giải pháp linh hoạt, đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn liên tục |
Về đầu tư xây dựng, dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư/vật liệu tăng cao và giãn cách do dịch Covid-19, nhưng EVN và các đơn vị đã khởi công 3 dự án nguồn điện hơn 2.000 MW; hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum, hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án thủy điện tích năng Bác Ái. Về lưới điện, đã khởi công được 195 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 500/220/110kV.
Trong khi đó, chất lượng cung ứng dịch vụ điện và đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ tiếp tục được EVN và các đơn vị cải thiện. Tỷ lệ thu tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%; triển khai thêm các phương thức thanh toán tiền điện mới qua QRCode, Mobile Money; tỷ lệ giao dịch theo phương thức điện tử toàn EVN đạt 97,89%, tăng 20,32% so với năm 2020; 99,66% các yêu cầu về dịch vụ điện được cung cấp qua các kênh chăm sóc khách hàng trên nền tảng số.
Thực hiện năm chủ đề “Chuyển đổi số”, EVN đã hoàn thành trên 50% khối lượng nhiệm vụ về quản lý; hoàn thành nhiều nhiệm vụ ứng dụng công nghệ.
Không để thiếu điện cho nền kinh tế
Năm 2022, EVN sẽ tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt với các diễn biến của dịch Covid-19, phấn đấu sản lượng điện thương phẩm đạt 242,35 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021; nâng cao độ tin cậy cấp điện với thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm không quá 333 phút; năng suất lao động tăng 8-10%; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận.
Đồng thời, phấn đấu khởi công và hoàn thành phát điện thương mại một số dự án điện mặt trời; khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn IV; tập trung thi công các dự án nguồn điện; hoàn thành 264 công trình lưới điện từ 110-500kV; khởi công 233 công trình lưới điện từ 110-500kV.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, EVN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật; kết hợp phòng, chống dịch hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Ngoài mục tiêu đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, EVN phải lưu ý đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn. Trong điều kiện chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao, cần làm tốt công tác điều hành hệ thống điện, thị trường điện để tối ưu chi phí mua điện, cũng như thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí.
Ông NGUYỄN HOÀNG ANH - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: EVN cần tiếp tục tổng hợp, báo cáo các bộ, ngành, địa phương những khó khăn, vướng mắc để được hỗ trợ kịp thời; đồng thời triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình nguồn và lưới điện lớn. |