Tuy nhiên, đó là con số dự án trên báo cáo thống kê. Thực tế, việc triển khai dự án- điều quan trọng đối với sự thu hút FDI - còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng, quy hoạch...
Hiện trong số 144 dự án FDI sử dụng đất ở Hà Nội (không bao gồm các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các dự án thứ phát trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao) có tới 33 dự án gặp vướng mắc, chủ yếu về quy hoạch (12 dự án), giải phóng mặt bằng và bàn giao đất (8 dự án)... Một số dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD như: Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 2; khu đô thị C2 Gamuda; Trường Quốc tế Grammar School; khu nhà ở của Công ty Togi Việt Nam; cao ốc quốc tế Hồ Tây... cũng đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng và bàn giao đất.
Nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch, giải quyết thủ tục giao đất... là mong muốn của nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội.
Mới đây có một động thái đáng ghi nhận của chính quyền thủ đô: Tại cuộc tiếp xúc của lãnh đạo Hà Nội với các doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - đưa ra “tối hậu thư”: Trước ngày 30/5, các sở, ngành liên quan phải trả lời doanh nghiệp phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND thành phố để có cách thức giải quyết. Sở Kế hoạch và Đầu tư lập đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, lãnh đạo Hà Nội sẽ định kỳ tổ chức giao ban, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án FDI, tổ chức đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp theo từng nhóm lĩnh vực khác nhau để lắng nghe kiến nghị và giải quyết vướng mắc, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư...
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là con đường dài, không thể làm tốt ngay chỉ bằng một vài “tối hậu thư”. Có một thông tin không thể bàng quan: Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, Hà Nội đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố với 58,59 điểm, tăng 7 bậc so với vị trí thứ 33 tại bảng xếp hạng PCI năm 2013. Dù đây là ghi nhận những sự nỗ lực của chính quyền, các sở, ngành, song với vị trí “trái tim của cả nước”, Hà Nội không thể bằng lòng với vị trí “trung vị” đó?