Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I: Tôn vinh tinh hoa nghề gỗ
- Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I là dịp để chúng ta nhìn lại, đánh giá thực trạng và giới thiệu những thành tựu mà Ngành Lâm sản Việt Nam và ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đạt được; tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư cho các nhà sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước, hướng tới trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng theo hướng bền vững.
Một trong những hoạt động của Festival Lâm sản được đông đảo quần chúng nhân dân, khách du lịch, các nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nghề gỗ quan tâm nhất là Hội chợ triển lãm Lâm sản Việt Nam tại quảng trường trung tâm đường Nguyễn Tất Thành.
Với 528 gian hàng của 104 doanh nghiệp trong nước, 6 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hội chợ đã góp phần giới thiệu thành tựu phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản trong và ngoài nước có dịp giao thương, học tập trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu, sản phẩm từ gỗ đến với công chúng một cách rộng rãi; giới thiệu dịch vụ, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là dịp để người tiêu dùng tiếp cận với những sản phẩm đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ kết hợp vật liệu khác, ván nhân tạo và các sản phẩm lâm sản tinh xảo của Việt Nam và quốc tế.
Sau 3 ngày, hội chợ đã có trên 100.000 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng; 30 hợp đồng kinh tế được ký kết, hợp tác về sản xuất, chế biến đồ gỗ và 10 biên bản ghi nhớ hợp tác.
Ông Tony Nguyễn - Việt kiều Mỹ nhận xét: “Tôi thật bất ngờ khi được ngắm nhiều sản phẩm gỗ rất đẹp tại Festival. Mong sao các sản phẩm này sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài thật nhiều để bạn bè khắp nơi được biết thêm về tinh hoa, tài năng của đất nước và con người Việt Nam”.
Ban tổ chức Festival Lâm sản Việt Nam đã trao kỷ lục Guinness cho 4 tác phẩm gỗ: Tượng phật Di Lặc bằng gỗ trắc lớn nhất của Cơ sở sản xuất đồ gỗ lũa mỹ nghệ Hoàng Thân (thị xã An Khê - Gia Lai); tác phẩm “Thiên Long” lục bình bằng gỗ sao xanh lớn nhất của Công ty TNHH một thành viên Sơn Phước (Tuy Hòa - Phú Yên); đôi lục bình và tấm phản bằng gỗ nghiến lớn nhất do ông Hồng Sỹ Tùng (TP.Thái Nguyên) sở hữu.
Trong khuôn khổ Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I, Diễn đàn lâm nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu: “Phát triển, chế biến và thương mại lâm sản gắn với quản lý rừng bền vững” cũng đã được tổ chức với nhiều nội dung thiết thực, xoay quanh việc đề ra những chính sách liên quan đến chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ hiện tại và định hướng tương lai; thực hiện những chính sách thúc đẩy quá trình quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; bàn về tác động của Flegt (chương trình tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp quản trị rừng và buôn bán gỗ) đối với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam; liên doanh giữa khu vực công nghiệp chế biến gỗ tư nhân và khu vực lâm nghiệp nhà nước trong phát triển rừng nguyên liệu; liên kết thị trường, giải pháp thúc đẩy và tiêu thụ nguyên liệu gỗ Keo tại miền Trung; mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào các nguyên tắc kinh tế, xã hội và môi trường,…
Hiện cả nước có 2.500 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt hơn 3,5 tỷ USD, dự kiến năm 2011 đạt trên 4 tỷ USD. Riêng tỉnh Bình Định, năm 2010, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 268,8 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.
Tuy nhiên, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam chưa được xây dựng nên chủ yếu phân phối qua kênh nước ngoài. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu gỗ phần lớn (trên 80%) phải nhập khẩu, nên giá cả phụ thuộc khá lớn vào nhà cung cấp.
Thực tế trên đang thôi thúc các ngành chức năng, các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân thấy được trách nhiệm to lớn trong việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến lâm sản theo hướng bền vững, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi.
Đại biểu Hứa Đức Nhị- khẳng định: Sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản đã có nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đang còn gặp không ít khó khăn và đứng trước nhiều thách thức. Diễn đàn là cơ hội tốt cho việc chia sẻ thông tin, trao đổi để tìm ra những giải pháp hữu hiệu cho phát triển ngành lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực chế biến lâm sản nói riêng”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng và địa phương cần chú trọng đầu tư nguồn vốn để phát triển rừng, nâng cao công nghệ chế biến lâm sản và xúc tiến đầu tư... phòng chống khai thác rừng một cách cạn kiệt.
Bài và ảnh: Quỳnh Mỹ