“FPT phải lột xác lần nữa”
Ông Bùi Quang Ngọc và ông Trương Gia Bình tại một sự kiện thể thao do FPT tổ chức.
- Tân Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc thừa nhận ông gặp áp lực khi nhận chức vụ điều hành FPT, tuy nhiên ông tin tưởng rằng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2013. Ông cũng cho rằng mình có những điểm khá gần với ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng giám đốc FPT về sự “quyết đoán, chặt chẽ”, tuy nhiên, điểm khác biệt là không có tính “độc đoán”.
Trong khi đó, ông Trương Gia Bình cho rằng, ông và Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc là “cặp đôi mà tôi hài lòng”. “Cơ bản tôi mạnh về chiến lược, còn anh Ngọc mạnh về chiến thuật, triển khai”.
Ông Bình cũng cho rằng, thị trường Việt Nam là không đủ với tham vọng của FPT và tập đoàn cần vươn ra thị trường thế giới, với kế hoạch cạnh tranh trực diện với các đối thủ lớn.
Nhưng, FPT cũng từng thất bại ở thị trường thế giới đấy thôi…
Đúng, FPT đã từng thất bại ở thung lũng Silicon, ở Ấn Độ. Vấn đề then chốt khi đó là không bán được hàng. Việt Nam khi đó chưa có tên trong bản đồ số của thế giới.
Nhưng mà dù có khó khăn thì FPT vẫn vững tin và vượt khó. Tiếng Anh không phải là tiếng FPT dùng, tiếng Nhật càng không phải FPT liên quan, tuy nhiên muốn làm tốt với thị trường quốc tế phải nói được tiếng Anh, từ lãnh đạo đến nhân viên. Rồi muốn làm ăn với Nhật phải nói được tiếng Nhật.
Ngày hôm nay chúng tôi có một vị thế rất tốt. Nếu nhìn vào danh sách khách hàng của FPT thì có thể thấy đó là một "danh sách ước mơ", không thiếu công ty hàng đầu về máy bay, máy tính, tin học, điện tử, tài chính - ngân hàng.
Niềm tin của mình đã được chuyển đến khách hàng để họ tin rằng, ở Việt Nam có thể làm phần mềm tốt, có thể sáng tạo, có thể đuổi được công nghệ hiện đại nhất như công nghệ smart, điện toán đám mây,...
Với niềm tin như ông nói, thì FPT sẽ cạnh tranh cụ thể thế nào bên ngoài biên giới?
FPT ngày nay tin rằng mình có thể ganh đua với các tập đoàn hàng đầu thế giới, ở thị trường khó khăn nhất là Singapore. Trong 3 năm tới, sẽ là một cuộc chiến mới. Trước cuộc trao đổi này thì chúng tôi đang thảo luận chọn “tướng lĩnh” để đi đánh trận tại thị trường Singapore.
Nếu trước mình chỉ gia công phần mềm, thì nay mình sẽ đứng làm chủ thầu.
Singapore 100 (doanh thu 100 triệu USD tại Singapore - PV) là một chương trình dài hạn. Vì nếu FPT có thể đấu trực diện với các công ty danh tiếng hàng đầu ở Singapore, thì có nghĩa sẽ thắng ở khu vực và thế giới.
FPT sẽ đi vào viễn thông, tài chính, các hãng vận tải lớn... Niềm tin ấy là khát vọng cháy bỏng.
Chúng ta có thể làm nông nghiệp một nắng hai sương, chúng ta có thể gò lưng may gia công quần áo cho các hãng thế giới, chúng ta có thể lắp ráp thiết bị cho các hãng thế giới. Khi nghèo cái gì làm được chúng ta làm tất, nhưng chúng ta có định mãi làm công việc ấy hay không và khi mức sống cao hơn thì người ta cũng không giao chúng ta làm việc đó, họ sẽ giao các nước nghèo hơn làm việc đó. Khi đó chúng ta sẽ làm gì?
Cho nên một động lực rất lớn của FPT là có hàng vạn người mong muốn phát triển bằng trí tuệ, phát triển bằng học hành. Hiện nay, FPT giải quyết công việc cho 15.000 người và dự kiến năm 2020 sẽ tạo công ăn việc làm cho 100.000 người.
FPT cũng muốn hợp tác với các tập đoàn, công ty công nghệ ở Việt Nam để ra thị trường thế giới. Hiện nay chúng ta thiếu khoảng 3 triệu người làm công nghệ điện toán đám mây.
Không có lý gì chúng ta không chớp lấy cơ hội này. Thực tế đã chứng minh rằng, một bạn dân tộc thiểu số có thể làm kỹ sư cầu nối với Nhật Bản chỉ sau 4 năm đào tạo. Một thanh niên nông thôn có thể làm phần mềm cho các ngân hàng. Không ai cấm bạn cả, và đó cũng là sự lựa chọn của FPT.
Để đạt được mục tiêu như ông vừa chia sẻ, các ông đang vướng phải những rào cản nào?
Đến ngày hôm nay với quy mô 15.000 người, thì FPT đối diện hai vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là phải đối mặt với khó khăn kinh tế. Khi khó khăn kinh tế thì ảnh hưởng tới tất cả mọi người, và dù bạn giỏi thế nào thì thị trường quyết định đến sự tăng trưởng của bạn. Cho nên tốc độ tăng trưởng chậm lại trong hai năm gần đây của FPT là rất rõ.
FPT cũng vướng vào giới hạn thứ hai là với quy mô phát triển như hiện tại mà để duy trì tốc độ phát triển cao thì thị trường Việt Nam không có nhu cầu lớn đến như vậy. Cho nên, thị trường Việt Nam đã trở thành nhỏ bé với khát vọng, đối với sứ mạng của FPT. Bài toán tiếp theo của FPT là phải kiếm hàng tỷ USD trên thế giới.
FPT phải lột xác một lần nữa, và chỉ có lột xác mới đảm bảo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn kỹ sư, chỉ có lột xác mới đảm bảo thu nhập tốt cho lãnh đạo FPT, và quan trọng nhất, chỉ có lột xác mới đem lại nhiều quyền lợi cho cổ đông.
Mọi điều kiện khách quan đều đang đẩy FPT ra thế giới. Hiện nay, 18% doanh thu của FPT từ nước ngoài, bước tiếp theo sẽ phải là 20%, rồi sau đó doanh thu ở thế giới phải vượt trội so với doanh thu từ trong nước.
FPT đang định lập chi nhánh tại Myanmar. Thị trường này là hình ảnh của Việt Nam 20 năm về trước. FPT đặt mục tiêu doanh thu 100 triệu USD tại đây. Cùng với “Singapore 100”, đây là thách thức của FPT trong 3 năm tới. Và đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ.
Nhìn vào cơ cấu cổ đông FPT hiện tại, thì chỉ có 4 cổ đông nắm trên 5% cổ phần FPT, trong đó có tới hai cổ đông nước ngoài. Ông có lo ngại sự “xâm lấn” quyền điều hành của các cổ đông ngoại, cả hiện tại và tiềm năng?
Tôi nghĩ rằng, sự thống nhất ở mức tăng trưởng, phát triển có thể có sự khác biệt là thời gian. Cổ đông đầu tư ngắn hạn quan tâm bây giờ, nhà đầu tư trung hạn thì quan tâm 3 năm rồi họ rút.
Nhưng ở FPT, có đông người coi công ty là cuộc sống của mình, làm việc hài hòa, phục vụ tất cả mọi người. Đôi khi nó phát sinh những cách nhìn khác nhau, bởi quyền lợi khác nhau, nhưng nếu có khác biệt thì phải chia sẻ.
Gần đây tôi có sang Singapore tham gia một hội nghị đầu tư do Daiwa tổ chức. Ở đó tôi có hỏi nhà đầu tư ở Daiwa: “Bạn muốn chúng tôi phải làm gì nữa cho các bạn?”. Họ có nói với tôi và tôi thấy ngạc nhiên: “Tôi có thể nói quan điểm cá nhân tôi, FPT là tập đoàn quản trị tốt và minh bạch nhất ở Việt Nam, và quan hệ với cổ đông của các bạn làm tốt nhất”.
Tóm lại, có khác biệt về thời gian về tốc độ phát triển, nhưng sự chia sẻ sẽ dẫn tới đồng thuận. Khi các nhà đầu tư hiểu FPT được xây dựng thế này thì họ cũng sẽ đồng ý sự phát triển như vậy để có sự tăng trưởng.
Việc thay đổi Tổng giám đốc FPT gần đây đã gây nhiều chú ý, khi người mới nhậm chức là một nhân vật thuộc thế hệ đầu tiên. Vì sao các ông lại quyết định lựa chọn ông Bùi Quang Ngọc?
FPT liên tục chuyển động, từ kinh tế, công nghệ, đào đạo, nguồn nhân lực... nên sự ăn ý với nhau là cực kỳ quan trọng.
Tôi với anh Ngọc đã đi suốt 25 năm trong công cuộc xây dựng FPT. Tôi hiểu được thế mạnh - yếu của anh Ngọc và anh Ngọc hiểu điểm mạnh - yếu của tôi.
Giữa hai người không hẳn là thống nhất, nhưng có sự đồng thuận, thống nhất trên mục tiêu chung.
Tôi nghĩ, chúng tôi là cặp đôi mà tôi hài lòng. Nếu nói thay đổi thì cả tôi và anh Ngọc đều phải thay đổi để thích nghi với tình huống mới. Cơ bản tôi mạnh về chiến lược, còn anh Ngọc mạnh về chiến thuật, triển khai.
“Lãnh đạo FPT trong những năm qua, Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian. Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này”. “Bình có tài thuyết khách. Khi Bình nói về một vấn đề nào đó, tưởng chừng thế giới không thể khác đi được. Nhiều khi người nghe bị thuyết phục không phải vì bản chất của đề tài mà là do cách thức thuyết phục của Bình. Kiến cũng phải bò ra nghe. Nhiều người tin và làm theo, dù nhiều cái Bình nói đâu có đúng, đâu có đơn giản, đâu có dễ thực hiện. Họ biết hoặc nghi ngờ nhưng vẫn nghe Bình thuyết phục và làm theo. Cuối cùng là phẩm chất kiên trì đeo đuổi mục đích đặt ra, xử lý bằng được mọi khó khăn trở ngại, lôi kéo, áp lực mọi người cùng thực hiện. Một phẩm chất mà nhiều nhà lãnh đạo không có”. “Bình có nhược điểm nào không? Có đấy. Đó là sự cả tin. Cả tin vào một số giá trị không thực tiễn, cả tin vào sự chung lý tưởng, chung mục đích của tất cả nhân viên dưới quyền, cả tin vào một số người mới tiếp xúc. Đôi khi cũng phải trả giá vì sự cả tin ấy”. (Trích bài viết “Người bạn cùng bàn” của ông Bùi Quang Ngọc trong Sử ký 15 năm FPT, in năm 2003) |