Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.
CôngThương - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Theo đó, mức dự trữ tối đa đối với đường là 10% lượng đường mà thương nhân được cấp hạn ngạch đối với các trường hợp nhập khẩu. Đối với các thương nhân sản xuất thì mức dự trữ là 5% lượng đường doanh nghiệp sản xuất.
Mặt hàng phân bón, gạo, thép và thức ăn chăn nuôi dự trữ từ 5% đến 12% tùy loại.
Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra. Tùy biến động cung cầu trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh tăng hoặc giảm mức dự trữ lưu thông bắt buộc đối với từng loại hàng hóa. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh mức dự trữ lưu thông bắt buộc dao động từ 10 đến 30 ngày.
Các doanh nghiệp sẽ phải bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu tại từng khu vực địa lý khi có trường hợp mất cân đối cung cầu đột biến. Doanh nghiệp phải chủ động kiểm soát và hạn chế tăng giá bất hợp lý, phòng chống đầu cơ, găm hàng gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Thương nhân thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như được ưu đãi tín dụng, đảm bảo ngoại tệ nhập khẩu.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho hay, mặt hàng đường sản xuất theo mùa vụ do đó, việc dữ trữ đường là cần thiết nhằm đảm bảo bình ổn đường trong nước. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, quy định dự trữ bắt buộc 10% lượng đường mà thương nhân được cấp hạn ngạch chưa hợp lý. Bởi trong điều kiện sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước không cần nhập khẩu thì không thể thực thi được quy định của Bộ.
Do đó, ông Long đề xuất, chỉ nên dự trữ đường đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. "Các công ty thương mại cần dự trữ 5% lượng đường kinh doanh còn các đơn vị sản xuất cần dự trữ 10% để đảm bảo bình ổn thị trường", ông Long kiến nghị.
Trước đó, Hiệp hội Thép cũng đã có ý kiến về việc dữ trữ bắt buộc đối với thép. Hiệp hội cho rằng, thành viên hiệp hội có hơn 50 công ty sản xuất phôi, cán thép xây dựng đang phải cạnh tranh với thép ASEAN và Trung Quốc. Những quy định hành chính vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như giá mua, giá bán, mức xuất, nhập, mức dự trữ... là không phù hợp với luật doanh nghiệp vì doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh, tự quyết định giá mua giá bán.